Việt Nam luôn nhất quán bảo đảm quyền của người lao động

(VOV5) – Tại Việt Nam, bảo đảm quyền của người dân nói chung, người lao động nói riêng là chủ trương, chính sách lớn, được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật quan trọng của Nhà nước.


Được làm việc trong một môi trường công bằng, an toàn, được hưởng lương và chế độ nghỉ ngơi, không phân biệt đối xử, bị cưỡng bức lao động… là những quyền cơ bản được quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, một phần của Luật nhân quyền quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên. Đây cũng là nội dung thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị không chính thức lần thứ 14 của Diễn đàn Á – Âu (ASEM) về quyền con người và doanh nghiệp với chủ đề “Doanh nghiệp và nhân quyền” đang diễn ra tại Hà Nội.

Việt Nam luôn nhất quán bảo đảm quyền của người lao động - ảnh 1
Ảnh: Báo tin tức


Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, vấn đề quyền con người, trong đó quyền người lao động được quan tâm nhiều và mỗi quốc gia đều chú trọng đến việc bảo vệ nhân quyền, quyền con người.

Nhà nước đóng vai trò quan trọng để đảm bảo quyền con người được thực hiện

Tại Việt Nam, bảo đảm quyền của người dân nói chung, người lao động nói riêng là chủ trương, chính sách lớn, được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật quan trọng của Nhà nước. Ông Đặng Dũng Chí, Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người, khẳng định: “Ở Việt Nam, điều này được quan tâm từ rất lâu. Từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thì các hiến pháp của Việt Nam đều quy định rất rõ các quyền này. Đặc biệt, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 có những quy định rất cụ thể, đó là công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Người làm công ăn lương được đảm bảo các quyền được làm việc công bằng, an toàn, được hưởng lương và chế độ nghỉ ngơi và nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động… Những quy định này của Việt Nam về cơ bản hoàn toàn tương thích với những quy định của Công ước quốc tế về nhân quyền trong lĩnh vực bảo vệ quyền của người lao động.

Bên cạnh Hiến pháp năm 2013 với nhiều nội dung rất tiến bộ về quyền của người lao động đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, Luật Lao động sửa đổi năm 2013, Luạt Bảo hiểm xã hội cũng đề cập rất nhiều quy định cụ thể như đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể… Đây chính là những khuôn khổ pháp lý quốc tế rất quan trọng của một quốc gia, đảm bảo quyền của những người lao động ở Việt Nam, trong bối cảnh đất nước đang hội nhập và phát triển mạnh mẽ. Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho rằng: “Tôi có thể khẳng định rằng ở Việt Nam về cơ bản các bộ luật lao động, những điều khoản mà chính phủ quy định đều nghiêng về phía người lao động. Vì họ là những tầng lớp, những người mà đang rơi vào thế yếu nên vì thế cần phải bênh vực, vì thế hầu hết văn bản đều nghiêng về phía người lao động, cả về việc làm, cả về tiền lương, cả về bảo hiểm và điều kiện lao động. Hay nói cách khác tất cả những gì liên quan đến con người đều nghiêng về phía người lao động”.

Bảo vệ quyền lợi của người lao động thông qua trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Những năm gần đây, cùng với chủ trương hợp tác, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, cộng đồng các doanh nghiệp ở Việt Nam đã tích cực và chủ động thực hiện các hoạt động để thể hiện Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội. Đã có một sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về phạm trù khái niệm của Trách nhiệm xã hội: Từ cách nhận thức đơn giản ban đầu – thực hiện trách nhiệm xã hội chỉ là thực hiện những hoạt động nhân đạo đối với các nhóm/cộng đồng xã hội dễ bị tổn thương như: người nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi, đồng bào dân tộc thiểu số… đến cách nhận thức sâu sắc hơn, cụ thể hơn về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, theo các nguyên tắc cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), bao gồm: Không phân biệt đối xử; Chống lao động cưỡng bức; Chống lao động trẻ em; Tự do liên kết và thương lượng tập thể.

Theo ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, với vai trò kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động, Công đoàn Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc giám sát, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: “Công đoàn chỉ đạo quyết liệt để thực hiện kết nối giữa người lao động và người sử dụng lao động phải đi đến một điểm chung trong tất cả các đàm phán và thương lượng. Đặc biệt là ký kết thỏa ước lao động tập thể, những quyền gì của người lao động được quy định thì phải thực hiện. Trong quá trình nghiên cứu, tôi cũng thấy rằng khi người lao động yên tâm bỏ sức lao động sẽ không có các bất đồng về quan hệ lao động”.

Là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam đã tích cực thúc đẩy việc phê chuẩn một số công ước của ILO. Tính đến năm 2014, tổng số các Công ước quốc tế của ILO mà Việt Nam đã phê chuẩn là 21 công ước. Các nguyên tắc cơ bản của ILO về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và các quy định tại các công ước mà Việt Nam phê chuẩn đều đã được thể hiện trong pháp luật quốc gia và được cộng đồng các doanh nghiệp ở Việt Nam nghiêm túc thực thi.

Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị không chính thức lần thứ 14 của Diễn đàn Á – Âu (ASEM) về quyền con người và doanh nghiệp thể hiện tinh thần trách nhiệm của Việt Nam với diễn đàn ASEM mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt, ở cương vị là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam mong muốn chuyển tải thông điệp, Việt Nam luôn tôn trọng những giá trị phổ quát về quyền con người và sẵn sàng đối thoại để thu hẹp những khác biệt. Bảo vệ quyền của người lao động cũng là ưu tiên hiện nay củaViệt Nam trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và đảm bảo phát triển bền vững./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác