Yêu quê hương, mong muốn quảng bá văn hóa Việt

(VOV5) - Em rất sợ sẽ không nói được với bố mẹ bằng tiếng Việt nên em quyết định trở thành hướng dẫn viên. 

Gần 25 năm sống ở Hà Lan, chị Nguyễn Khánh Linh luôn luôn dành tình cảm cho quê hương. Thời gian gần đây, chị trở về nhiều hơn, khi thì tham gia lớp tập huấn giảng dạy tiếng Việt dành cho các giáo viên kiều bào, khi thì trong đoàn kiều bào tiêu biểu về dâng hương Đền Hùng, hoặc dành thời gian trở về thăm người thân. Học quản trị kinh doanh, sau đó, mở công ty du lịch tư nhân,  chị Nguyễn Khánh Linh mong muốn có cơ hội giao tiếp với nhiều người hơn, tham gia các hoạt động cộng đồng hướng về quê hương, gìn giữ văn hóa dân tộc và tiếng Việt.

Nghe âm thanh tại đây
 

Mỗi một lần em quay về nước thì em biết thêm một chút. Em cảm thấy rất tự hào là Việt Nam của mình có rất nhiều khoáng sản, có rất nhiều nơi đẹp và rất háo hức giới thiệu cho bạn bè quốc tế. Các bạn cũng rất quan tâm về cơ hội để giao thương với các nước. Ví dụ xuất nhập khẩu hàng hóa gì đó nổi trội. Em mong muốn, đưa nhiều hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài.

Yêu quê hương, mong muốn quảng bá văn hóa Việt  - ảnh 1Chị Khánh Linh nhận giấy chứng nhận lớp tập huấn Tiếng Việt dành cho giáo viên kiều bào
Những sự kiện nào mà Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan tổ chức như Tết Nguyên Đán, rồi Trung Thu hay ngày Quốc khánh thì em đều tham gia. Trong những sự kiện đó, thường mặc áo dài, ai tham gia được gì thì tham gia, ai biết đánh đàn thì tham gia văn nghệ, qua đó, để mình được ôn lại tiếng Việt, vì cơ hội để sử dụng tiếng Việt ở nước ngoài rất hạn chế. Không phải bây giờ mà ngay từ năm thứ nhất Đại học, em đã biết làm nem để mời các bạn, các thầy cô vì người ta luôn luôn biết đến Việt Nam với nền ẩm thực thanh, không quá nhiều dầu mỡ. Bởi vì hiện nay, mọi người rất quan tâm tới vấn đề sức khỏe. Vì thế, họ rất thích đồ ăn Việt Nam vì không quá cay như đồ Thái và không quá nhiều dầu mỡ như đồ Tàu. Đồ ăn Việt Nam rất được bạn bè quốc tế ưa chuộng.
Yêu quê hương, mong muốn quảng bá văn hóa Việt  - ảnh 2Chị Khánh Linh ( thứ 5, từ trái sang) cùng đại biểu tham gia đoàn kiều bào về dự giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024
Em có thể chia sẻ là khi mới sang nước ngoài, mấy tháng đầu do môi trường ngôn ngữ học quá nhiều, chúng em học bằng tiếng Anh nhiều đến nỗi mà chỉ mấy tháng sau, nói chuyện với bố mẹ rất ngại, bị cứng mồm. Em rất sợ sẽ không nói được với bố mẹ bằng tiếng Việt nên em quyết định trở thành hướng dẫn viên. Từ đó trở đi, em luôn đảm bảo một tháng mình sẽ có một số giờ nhất định để nói tiếng Việt với người Việt. Nhiều khi cứ nghĩ nói tiếng mẹ đẻ thì mình rất khó quên, nhưng ngôn ngữ là một kỹ năng mà không được sử dụng thì sẽ quên mất. Khi mình nói chung một ngôn ngữ, thì mình sẽ cảm nhận được sự kết nối giữa người với người tốt hơn. Vì thế, nếu trẻ em người gốc Việt lớn lên ở nước ngoài mà được nói tiếng mẹ đẻ thì các em sẽ tự tin hơn. Về Việt Nam, các em sẽ không bị chê là nói tiếng Việt dở thế thì các em sẽ yêu đất nước mình hơn và giúp kết nối và phát triển.

Chị Nguyễn Khánh Linh mong muốn, được đi nhiều nơi hơn, mỗi sáng dậy sẽ ở một vùng đất mới, đặc biệt là mỗi ngày sẽ có những niềm vui khác nhau,  những trải nghiệm khác nhau, từ đó,  có thêm động lực để tham gia nhiều hơn các hoạt động cộng đồng gắn kết những người con xa xứ với nhau và với quê hương. Không chỉ gìn giữ tiếng Việt, văn hóa Việt cho bản thân, mà chị còn trở thành giáo viên dạy tiếng Việt tình nguyện để thế hệ sau giữ được tiếng mẹ đẻ và luôn hướng về cội nguồn.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác