(VOV5) - Hơn 1,5 triệu đại biểu dự Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết 66, 68 của Bộ Chính trị về cải cách thể chế, phát triển kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới.
Sáng ngày 18/05, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Tổng Bí thư Tô Lâm dự Hội nghị. Cùng dự Hội nghị có Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết hợp trực tuyến tới 37.000 điểm cầu ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cơ quan, đơn vị trên cả nước. Hơn 1,5 triệu đại biểu tham dự Hội nghị tại các điểm cầu.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu. Ảnh: VOV |
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh hiện nay, Việt Nam đang tiến hành đổi mới, cải cách, tập trung vào 4 đột phá, gồm: Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị: thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết 68 về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; Nghị quyết 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật. Đến thời điểm hiện nay, 4 Nghị quyết này là “Bộ tứ trụ cột” thể chế nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ đưa Việt Nam cất cánh, tiến lên trong kỷ nguyên mới, hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Điểm lại nội dung cốt lõi của các Nghị quyết, Tổng Bí thư nhấn mạnh Nghị quyết 68 đã đặt nền móng cho sự chuyển biến toàn diện về chính sách phát triển kinh tế tư nhân: từ việc “thừa nhận” sang “bảo vệ, khuyến khích, thúc đẩy”, từ “bổ trợ” sang “dẫn dắt phát triển”.
Đây là sự lựa chọn chiến lược đúng đắn, cấp thiết, mang tầm nhìn dài hạn, nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường vào giữa thế kỷ XXI. Nghị quyết 57 được xác định là nền tảng phát triển và lực đẩy chủ yếu cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết 66 là lời hiệu triệu cho 1 cuộc cải cách thể chế sâu sắc nhằm xây dựng 1 hệ thống pháp luật hiện đại, thực chất, vì nhân dân phục vụ; đồng thời, tạo ra động lực bền vững cho công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam. Nghị quyết 59 là quyết sách đột phá, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, xác định hội nhập là động lực chiến lược để Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định 4 Nghị quyết lớn của Bộ Chính trị đã cùng tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Mặc dù mỗi nghị quyết tập trung vào một lĩnh vực trọng yếu, chúng liên kết chặt chẽ, bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình quán triệt và tổ chức thực hiện. Cả bốn nghị quyết đều thống nhất mục tiêu: xây dựng nền tảng vững chắc để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Điểm đột phá chung của cả 4 Nghị quyết là tư duy phát triển mới: từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “bảo hộ” sang “cạnh tranh sáng tạo”, từ “hội nhập bị động” sang “hội nhập chủ động”, từ “cải cách phân tán” sang “đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc”. Đây là bước chuyển tư duy căn bản, kế thừa thành tựu đổi mới 40 năm qua và phù hợp với xu thế toàn cầu trong kỷ nguyên mới. Về tổ chức thực hiện, tất cả các Nghị quyết đều nhấn mạnh vai trò lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự vào cuộc đồng bộ, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cùng sự tham gia thực chất của doanh nghiệp, người dân và giới trí thức. Các trục phát triển, như: thi hành pháp luật, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển tư nhân và hội nhập quốc tế đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, kiểm tra, giám sát thường xuyên và đánh giá hiệu quả".
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ năm 2025 là năm bản lề mở ra kỷ nguyên mới, trong khi mục tiêu trở thành quốc gia phát triển chỉ còn 2 thập niên phía trước. Nếu không bắt kịp nhịp độ cải cách, không tạo đột phá ngay từ bây giờ, Việt Nam sẽ lỡ mất cơ hội vàng và tụt lại trong cuộc đua toàn cầu. Do đó, Tổng Bí thư đề nghị cả hệ thống chính trị cần triển khai các nhiệm vụ một cách nhanh chóng, bài bản, thực chất, lấy hiệu quả thực tế làm tiêu chí đánh giá. Đặc biệt, cần khẩn trương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, nhanh chóng hoàn thiện và ban hành các chương trình, kế hoạch hành động quốc gia thực hiện 4 Nghị quyết, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình và phân công cụ thể.
Trước đó, cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Chuyên đề về nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW”.