Cuộc sống mới ở bản tái định cư Huổi Hốc

(VOV5) - Bản Huổi Hốc, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên là bản tái định cư, xây dựng cách đây vài năm.

Đồng bào ở đây 100% là dân tộc Mông là người bản địa tỉnh Điện Biên và một số địa phương khác di cư tới. Cuộc sống người dân nơi đây đã thoát khỏi đói nghèo, cơ bản ổn định, từng bước nâng cao.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Bản Huổi Hốc được thành lập trên cơ sở “Ðề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh huyện Mường Nhé” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12 tháng 1 năm 2012 (gọi tắt là Đề án 79).

Cuộc sống mới ở bản tái định cư Huổi Hốc - ảnh 1 Bản Huổi Hốc nhìn từ trên cao. - Ảnh: Ngọc Anh/VOV5

Các hộ dân chuyển về nơi ở mới được Nhà nước dựng nhà ở và hỗ trợ sản xuất theo các chương trình mục tiêu quốc gia để bảo đảm cuộc sống. Ông Nguyễn Quang Hưng, Bí Thư huyện ủy huyện Mường Nhé, cho biết: “Huyện Mường Nhé tích cực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế, xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa. Những chương trình này có tác dụng rất lớn về cải thiện đời sống, tạo sinh kế cho đồng bào. Cuộc sống đồng bào từng bước thay đổi, đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo giảm. Mường Nhé là 1 trong 62 huyện nghèo nhất của cả nước. Trước đây số hộ nghèo trên 80% hiện nay còn trên 60%, trong đó đặc biệt có một số xã đã đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 38%.”

Cuộc sống mới ở bản tái định cư Huổi Hốc - ảnh 2Trẻ em đi học trên cây cầu bắc vào bản Huổi Hốc. -Ảnh: Ngọc Anh/VOV5  

Ngày 4 tháng 10 năm 2019, tỉnh Điện Biên ban hành Kế hoạch hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo huyện Mường Nhé. Hai mẫu nhà được lựa chọn hỗ trợ xây dựng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và phong tục tập quán, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực vùng cao biên giới phía Bắc. Các đơn vị chủ lực thuộc lực lượng vũ trang (Công an, Quân đội) thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống địa bàn khảo sát, giám sát và tham gia xây dựng từng ngôi nhà cho người dân.

Thiếu tá Vũ Văn Hưng, Trưởng Công an huyện Mường Nhé, cho biết: “Đề án 79 bố trí ở bản Huổi Hốc 32 hộ dân. Từ năm 2017, lực lượng công an đã hoàn thành 32/32 tức là 100% nhà. Trong 32 hộ này, có 19 hộ được hỗ trợ xã hội hóa theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, giá thành 50 triệu/nhà. Tiêu chí được nhà do bản tự đưa ra bình chọn, những người cực kỳ khó khăn thì hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đúng đối tượng. Trong bản công an làm đường, điện, nước, hỗ trợ đất sản xuất nông nghiệp cho mỗi hộ dân được 2 héc ta.”

Người dân bản Huổi Hốc sống dựa vào ngành nông lâm nghiệp, làm nương rẫy, chăn nuôi, trồng rau, trồng cây cao su, cây ăn quả… Chính quyền địa phương tuyên truyền vận động và hướng dẫn người dân thâm canh, tăng vụ và cải tạo đất nương, bản thân người dân vượt khó vươn lên, hăng say lao động sản xuất. Nhờ đó, đời sống bà con trong bản Huổi Hốc ngày càng cải thiện, đi lên.

Cuộc sống mới ở bản tái định cư Huổi Hốc - ảnh 3  Cán bộ công an tới thăm bà con bản Huổi Hốc. - Ảnh: Ngọc Anh/VOV5

Anh Vừ A Tú, Bản Huổi Hốc, kể: “Trước kia tôi ở huyện Tuần Châu, tỉnh Sơn La di cư lên bản Nậm Pố, huyện Mường Nhé, rồi lại lên đây theo Đề án 79 từ năm 2017. Gia đình có 7 người, sống cùng nhà. Nhà nước hỗ trợ cho bà con con giống cây trồng, trâu bò, công an giúp làm nhà cho cả bản. Tôi làm công nhân cao su, lương 1 tháng 4 triệu đồng. Nhà có 2 ha đất trồng lúa, năm được 1 vụ. Trước nuôi được lợn nhưng do dịch giờ không nuôi chỉ nuôi gà, vịt. Cây hoa quả mới trồng được một ít cây xung quanh nhà. Trước đây không có đất sản xuất rất khó khăn, cuộc sống bây giờ thay đổi, làm ăn thoải mái hơn, ổn định rồi, không đi đâu nữa.”

Với sự quan tâm, giúp đỡ của Nhà nước cùng sự nỗ lực trong lao động sản xuất của bà con, đồng bào dân tộc Mông ở Bản Huổi Hốc đã bước sang trang mới, đổi thay rất nhiều. Người dân bản Huổi Hốc bám đất, bám bản, yên tâm lao động sản xuất. Một cuộc sống mới hạnh phúc, ấm no, đủ đầy hơn đã về với người dân bản Huổi Hốc

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác