Dâu tằm đổi thay đất núi

(VOV5) - Tại huyện miền núi Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, người dân có thu nhập cao gấp 3-4 lần nhờ chuyển đổi từ trồng lúa và hoa màu sang trồng dâu, nuôi tằm.

Nhiều gia đình có thu nhập vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cuộc sống người dân ở các xã nông thôn mới nơi đây đang đổi thay từng ngày từ cây dâu, con tằm.

Nghe âm thanh bài tại đây:
Ngay sau khi tằm lên lứa đầu tiên của vụ dâu tằm năm nay, bà Trần Thị Hoàn ở thôn Ngòi Hóp, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, đã bắt tay vào dọn dẹp để chuẩn bị cho lứa tiếp theo. Dù ở tuổi gần 70 nhưng hai vợ chồng bà Hoàn vẫn hào hứng và miệt mài canh tác 8 sào dâu. Bà Hoàn cho biết vốn đầu tư ban đầu không nhiều lại thu hồi vốn nhanh, kỹ thuật chăm sóc không khó, công việc lại không quá nặng nhọc nên khá phù hợp với những người như vợ chồng ông bà.

Trung bình mỗi năm, gia đình bà Hoàn có nguồn thu khoảng 70 triệu đồng (gần 3.000 USD) từ trồng dâu nuôi tằm: “Từ lúc nuôi tằm thì kinh tế gia đình tôi đã khá lên, không phải dựa vào con cái. Bên cạnh đó, trong thôn có những công trình gì cần đóng góp thì chúng tôi có khoản thu nhập để đóng góp cùng thôn, ví dụ như xây nhà cộng đồng hoặc làm đường.”

Dâu tằm đổi thay đất núi - ảnh 1Người dân xã Báo Đáp phấn khởi vì trồng dâu nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: VOV

Gần 10 năm gắn bó với nghề dâu tằm, gia đình chị Nguyễn Thị Dung ở thôn Đồng Bưởi, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, đã chuyển toàn bộ diện tích đất ruộng kém hiệu quả, đất soi bãi sang trồng dâu. Hiện, với 1,4 mẫu dâu để nuôi tằm, mỗi tháng, gia đình chị Dung thu về khoảng 80 kg kén. Theo giá bán hiện tại là 150 nghìn đồng/kg, mỗi tháng, gia đình chị thu nhập khoảng 12 triệu đồng.

Trong khi đó, gia đình chị Nguyễn Thị Thảo mới bắt đầu nghề trồng dâu nuôi tằm. Để hạn chế rủi ro và có đầu ra ổn định, gia đình chị tham gia vào Hợp tác xã của địa phương và đã thành công ngay ở lứa tằm nuôi đầu tiên. Chị Nguyễn Thị Thảo chia sẻ: “Bước đầu, tôi cũng nuôi được 2 nong và cũng có sự hỗ trợ của các thành viên trong Hợp tác xã. Khi có dâu tằm bị bệnh, các thành viên Hợp tác xã xuống trực tiếp xem cho vì mình mới làm chưa có kinh nghiệm. Giá kén có lúc được 180.000 đến 190.000 đồng/kg. Tôi thấy là thu nhập rất hiệu quả.”

Xã Báo Đáp hiện có gần 150 ha dâu, trong đó, diện tích cho thu hoạch là hơn 132 ha. Với diện tích trồng dâu này, nghề nuôi tằm trong xã năm ngoái cho sản lượng khoảng 210 tấn, đạt nguồn thu 20 tỷ đồng (hơn 850 nghìn USD).

Mục tiêu của xã Báo Đáp là ngày càng mở rộng diện tích trồng dâu để phát triển nghề nuôi tằm. Để làm được điều này, địa phương tập trung tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.  Bà Ngô Thị Thúy Vân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, cho biết: “Trước đây, khi chưa liên kết thì bà con tự nuôi và tự bán ra thị trường cho các thương lái tư nhân. Năm ngoái, một nhà máy ươm tơ tự động đã được xây dựng trên địa bàn xã Báo Đáp. Như vậy, sự tin tưởng vào cây dâu, con tằm của bà con nhân dân trong xã chắc chắn sẽ tăng lên rất nhiều.”

Dâu tằm đổi thay đất núi - ảnh 2Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái có kế hoạch mua 1.000 tấn kén trong năm nay. Ảnh: VOV

Theo bà Ngô Thị Thúy Vân, dự án nhà máy ươm tơ tự động đặt ngay tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, do Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái quản lý, bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 3 năm nay với công suất 150 tấn tơ/năm, tương đương với 1.100 tấn kén. Sau khi chế biến, các sản phẩm tơ tằm sẽ được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Nhật Bản và các nước khối Liên minh Châu Âu (EU).

Ông Đinh Xuân Trường, Giám đốc Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái, cho biết để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho quá trình sản xuất cũng như đảm bảo chất lượng tơ, công ty cam kết bao tiêu sản phẩm kén tằm cho các xã trên địa bàn huyện Trấn Yên và các địa phương lân cận. Đơn vị đặt mục tiêu thu mua khoảng 1.000 tấn kén trong năm nay. Đây là cơ sở để người dân Trấn Yên yên tâm gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm: “Công ty cam kết với bà con là thu mua toàn bộ sản phẩm và phân loại các sản phẩm. Bà con nào mà nuôi chưa đạt thì công ty cho bộ phận kỹ thuật xuống hướng dẫn để bà con làm có chất lượng kén tốt hơn, nguồn thu nhập ổn định hơn. Việc liên kết sản xuất sẽ giúp cho bà con nông dân có kỹ thuật tốt hơn, nuôi trồng được hiệu quả hơn, giúp doanh nghiệp có được nguồn nguyên liệu tốt hơn, chất lượng cao hơn, để làm ra được những sản phẩm tơ chất lượng cao nhất phục vụ cho thị trường xuất khẩu.”

Theo tính toán, cứ 1 ha dâu tằm sẽ cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng (8.500 USD), cao hơn từ 2 đến 3 lần so với việc sản xuất các loại hoa màu khác. Cũng như ở xã Báo Đáp, các xã trồng dâu nuôi tằm khác ở huyện Trấn Yên hiện đều đã thành lập được các tổ hợp tác và Hợp tác xã, tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ giữa các hộ chăn nuôi với đơn vị thu mua.
Những năm qua, tỉnh Yên Bái cùng với doanh nghiệp cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho các hộ nuôi tằm, như: hỗ trợ kinh phí xây nhà nuôi tằm, hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật và quan trọng hơn cả là bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định...
Đây là cơ sở để nghề trồng dâu nuôi tằm mở rộng, phát triển hơn, đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều miền quê ở tỉnh miền núi Yên Bái.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác