Đồng bào dân tộc Mông ở Yên Bái bảo vệ và giữ rừng

(VOV5) - Để bảo vệ tốt những cánh rừng nguyên sinh, từ lâu bà con đã đặt ra những quy định về việc bảo vệ rừng và được cộng đồng tôn trọng.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Xã Nà Hẩu nằm trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, thuộc huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Đây là nơi định cư lâu đời của đồng bào dân tộc Mông. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, song các thế hệ người dân nơi đây vẫn cùng nhau bảo vệ các khu rừng, nhờ đó nhiều khu rừng nguyên sinh nơi đây đã được bảo tồn nguyên vẹn.
Đồng bào dân tộc Mông ở Yên Bái bảo vệ và giữ rừng - ảnh 1Một phần trong nghi lễ cúng rừng, ngày nay đã phát triển thành Lễ hội Tết rừng của bà con dân tộc Mông ở Nà Hẩu. Ảnh: VOV

Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu có tổng diện tích tự nhiên hơn 16 nghìn héc ta, nằm trên địa bàn 4 xã: Nà Hẩu, Đại Sơn, Mỏ Vàng và Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Nơi đây có hệ sinh thái rừng tự nhiên phong phú, đa dạng, cùng nhiều loài động, thực vật quý hiếm như cây chò nâu, dổi, trám, de, lát hoa, pơ mu... Nằm trong vùng lõi của khu bảo tồn, với hơn 4.500 héc ta rừng đặc dụng, xã Nà Hẩu có hơn 460 hộ đồng bào Mông sinh sống. 

Để bảo vệ tốt những cánh rừng nguyên sinh, từ lâu bà con đã đặt ra những quy định về việc bảo vệ rừng và được cộng đồng tôn trọng. Một trong số đó là thực hành tín ngưỡng cúng rừng. Ngày nay, hoạt động này đã trở thành Lễ hội Tết rừng Nà Hẩu vào dịp đầu xuân hằng năm với nhiều nghi thức độc đáo, như: Dâng lễ vật thần rừng, cầu khấn thần rừng ban lộc rừng, cầu mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu...

Ông Sùng A Xà, người dân ở thôn Bản Tát, xã Nà Hẩu, cho biết: "Theo tục lệ của người Mông thì từ ngày xưa đã có tục cúng rừng. Hằng năm, thầy cúng sẽ làm các phép bùa để giữa các khu rừng, để bảo vệ nguồn nước. Nếu mà người nào cố tình vi phạm, phát phá rừng, chặt cây to thì người đó sẽ bị đau ốm."

Từ tập quán, tín ngưỡng tôn trọng, bảo vệ rừng, coi rừng là ngôi nhà chung của cộng đồng… ở  thôn, bản nào của Nà Hẩu cũng có một khu rừng cấm, rừng thiêng. Khu rừng này nằm ở địa thế đẹp nhất của thôn, có nhiều loại cây lâu năm, quý hiếm… Với quy định "bất khả xâm phạm”, rừng luôn được bảo vệ tốt và các cánh rừng đó đã trở thành khu bảo tồn thiên nhiên. Anh Sùng A Chua, xã Nà Hẩu, cho biết: "Qua lễ cúng rừng, chúng em được ông bà, bố mẹ dạy bảo chăm sóc, bảo vệ rừng cho tốt và không chặt phá rừng nhằm chống xói mòn, sạt lở đất... Từ đó để rừng trở thành khu sinh thái của xã cả trước mắt và sau này nữa."

Đồng bào dân tộc Mông ở Yên Bái bảo vệ và giữ rừng - ảnh 2Một góc rừng Nà Hẩu. Ảnh: VOV

Để cùng bà con bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm Văn Yên, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, phối hợp với chính quyền xã tiến hành giao khoán quản lý, bảo vệ trên 3.700 héc ta rừng tự nhiên đặc dụng cho cộng đồng các thôn trên địa bàn. Xã cũng thành lập các tổ, đội bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Song song với đó là tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhân dân; tổ chức cho bà con ký kết bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm… 

Ông Vũ Minh Phúc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Văn Yên, tỉnh Yên Bái, cho biết: "Chúng tôi xác định cộng đồng dân cư, người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng chính là tai mắt, cánh tay nối dài giúp cho lực lượng kiểm lâm phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm. Vì vậy trong những năm qua và thời gian tới chúng tôi tiếp tục đối thoại với cộng đồng dân cư, lắng nghe ý kiến từ cơ sở, qua đó xây dựng các chương trình, kế hoạch phù hợp, để làm sao bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, ngăn chặn tới mức thấp nhất tất cả các hành vi vi phạm."

Sự trân trọng, giữ gìn rừng bằng cả tấm lòng của người dân bản địa, cùng nỗ lực của ngành chức năng, những cánh rừng nguyên sinh, đặc dụng trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu xanh ngút ngàn theo năm tháng. Để rồi, bà con được rừng che chở, đời sống từng bước được nâng cao nhờ nguồn lợi mà rừng mang lại… Đặc biệt, những cánh rừng nguyên sinh xa ngát đã biết Nà Hẩu trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách gần xa.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác