(VOV5) - Chính phủ cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính, tín dụng cho các dự án du lịch làng nghề, tăng cường quảng bá các làng nghề truyền thống.
Trong thư gửi về chương trình tuần qua, thính giả mong muốn được thông tin về cuộc thi Bạn biết gì về Việt Nam; chính sách phát triển du lịch làng nghề; Tết thanh minh của người Việt
Nghe âm thanh tại đây:
Chào quý vị, chào các bạn,
Thư của thính giả ở khắp nơi gửi về tuần qua, quan tâm tới nhiều sự kiện của Việt Nam, về cuộc thi Bạn biết gì về Việt Nam năm 2025.
Từ Tây Ban Nha, thính giả Juan Diez, chia sẻ suy nghĩ của ông về nhiều sự kiện mà VOV đăng tải. Liên quan đến bài viết của Tổng Bí thư Đảng CSVN Tô Lâm về vai trò của thanh niên và các hoạt động kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ông khẳng định: “Việt Nam rất quan tâm đến công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) và chất bán dẫn tiên tiến, vốn cần thiết để thúc đẩy nghiên cứu công nghệ mới và sản xuất năng lượng. Thanh niên Việt Nam phải nhiệt tình ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước, nắm bắt xu hướng phát triển mới..”. Thính giả người Indonesia, Liana Safitri, gửi thư với nội dung: “Tôi rất vui khi nghe PS thứ Bảy về Giờ Trái đất 2025. Thính giả Ulrich Schmidt Kufeke, ở Lübeck, Đức, viết: “Cảm ơn các bạn về những bài viết thú vị về đất nước của các bạn. Nhiều thính giả cũng đăng bình luận trong các bài viết trên trang web của Ban Đối ngoại về các chuyên mục văn hóa xã hội, con người, âm nhạc, văn nghệ, sức khỏe, người Việt…
Chia sẻ thông tin về cuộc thi Bạn biết gì về Việt Nam 2025, thính giả Rudy Hartono, ở Kalimantan, Indonesia, viết “Thật vui khi được một lần nữa tham gia sự Cuộc thi năm này của VOV. Hy vọng cuộc thi này sẽ thành công và thính giả trên toàn thế giới tham gia”. Từ Trung Quốc, thính giả Phạm Hồng Kiệt viết: “Tôi rất vui sau 10 năm lại có cơ hội tham gia Cuộc thi Bạn biết gì về Việt Nam. Trong quá trình dự thi, tôi cũng sẽ cập nhật các câu trả lời của mình dựa trên những thông tin mới nhất mà tôi nghe được qua chương trình của các bạn”.
Chúng tôi xin thông tin: với cuộc thi Bạn biết gì về Việt Nam 2025: Trong tuần, chương trình tiếng Indonesia nhận được 01 bài dự thi của thính giả Rudy Hartono, ở Kalimantan, Indonesia; chương trình tiếng Trung Quốc nhận được 4 bài dự thi; chương trình tiếng Đức nhận được bài dự thi đầu tiên của thính giả Helmut Matt, ở Herbolzheim, CHLB Đức. Những yêu cầu của các bạn về cuộc thi, chúng tôi đã đọc và sẽ có phản hồi.
Quý thính giả thân mến, thính giả Champa, ở thủ đô Vientiane, Lào, hỏi tứ linh của Việt Nam gồm những con gì và có ý nghĩa như thế nào?
Tứ Linh, còn được gọi là Tứ Thụy, là bốn loài linh thú lớn tượng trưng cho sự cát tường và điềm tốt lành, bao gồm Long (rồng), Lân (kỳ lân), Quy (rùa) và Phượng (phượng hoàng). Theo tín ngưỡng dân gian, Rồng là loài vật đứng đầu tứ linh thú, đại diện cho sự khởi sắc, quật cường. Từ đó con người bắt đầu cầu nguyện đến Rồng để cầu mong sự khởi sắc, làm ăn mua bán thuận lợi, tai qua nạn khỏi…Lân là loài linh thú tượng trưng cho sự bảo vệ. Lân được xem là điềm lành, đem lại sự thanh tẩy, xua đuổi tà khí và bảo vệ gia chủ. Đối với tín ngưỡng dân gian Việt Nam, con Nghê mới là loài linh thú thuần việt, có phần giống với Kỳ Lân Trung Hoa. Tuy nhiên, theo nhiều khảo sát, con Nghê mang dáng điệu hiền lành, gần gũi với đời sống tâm linh của người Việt nhiều hơn. Quy là loài linh thú có thật trong bộ tứ linh thú. Quy hay Rùa thường được gắn với hình tượng trường sinh bất lão, từ đó mà tín ngưỡng tâm linh đã gán ghép những tri thức cổ xưa và sự tinh thông, tường tận với hình tượng Quy. Trong lịch sử dân gian, Quy là loài linh thú duy nhất trong bộ tứ linh thường xuất hiện báo mộng và giúp đỡ cho nhiều đời đế vương, từ việc bảo vệ thành lũy, cho đến việc ban vũ khí để bảo vệ bờ cõi. Trong bốn loài tứ linh thú, phượng hoàng (phụng) là loài linh thú duy nhất gắn liền với hình ảnh cân bằng của vũ trụ. Từ xa xưa, con người đã gọi phượng hoàng là vua của các loài chim, báo hiệu điềm lành và là đại diện của sự tái sinh.
Thính giả Chanphet, ở Vientiane, Lào, hỏi Việt Nam có những chính sách gì để phát triển du lịch làng nghề không?
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 1.490 làng nghề, trong đó có 300 làng nghề truyền thống, giá trị kinh tế từ sản phẩm xuất khẩu của các làng nghề khoảng 600 triệu USD/năm. Hiện một số làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền do đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc giá bán quá thấp. Để khắc phục tình trạng này, ngày 7/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó nêu rõ: đến năm 2025 khôi phục, bảo tồn được ít nhất 56 nghề truyền thống và 85 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền. Công nhận mới 116 nghề và 40 làng nghề truyền thống; phát triển 181 làng nghề gắn với du lịch. Nâng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đạt khoảng 4 tỉ USD. Chính quyền tại một số làng nghề cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch một cách đồng bộ; thường xuyên đổi mới sáng tạo để có được những sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn; phát triển tour du lịch trải nghiệm; tổ chức các sự kiện, lễ hội làng nghề và các chương trình đào tạo. Chính phủ cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính, tín dụng cho các dự án du lịch làng nghề, tăng cường quảng bá các làng nghề truyền thống, liên kết giữa các làng nghề với các khu du lịch sinh thái, di tích lịch sử, tạo ra các sản phẩm chất lượng.
Nhiều thính giả hỏi thông tin về Tết thanh minh của người dân Việt Nam như thế nào?
Tết Thanh minh là khoảng thời gian thời tiết ôn hòa, sáng sủa, không khí mát mẻ dễ chịu, vạn vật sinh sôi, tươi tốt. Tết Thanh minh là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về tâm linh của người Việt. Ngày Tết Thanh minh gắn với nghi lễ tảo mộ, để sửa sang lại phần mộ của gia tộc cho khang trang, sạch sẽ hơn. Vì thế, đây cũng là dịp để mọi người tri ân, tưởng nhớ những người thân đã mất. Ngày Thanh minh, không chỉ người lớn, mà cả trẻ con cũng được cho ra mộ để thăm viếng, bái tế tổ tiên, thân nhân đã khuất, vừa để nhận biết phần mộ của gia tộc, tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn, vừa học hỏi dần để tiếp nhận, tiếp nối phong tục truyền thống.
Tiết Thanh minh 2025 bắt đầu từ ngày 4/4/2025( tức 7/3 âm lịch) và kết thúc vào ngày 19/4/2025 Dương lịch( 22/3 âm lịch).