Dấu ấn Việt Nam trong các bước trưởng thành và lớn mạnh của ASEAN

(VOV5) - Ngày 1/1/2020, Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020. Năm 2020 cũng là năm đánh dấu chặng đường 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN.

Từ một quốc gia kém phát triển, bị ảnh hưởng nặng nề sau chiến tranh, sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã từng bước khẳng định vai trò, vị thế của mình trong khu vực, cũng như tại các cơ chế hợp tác toàn cầu. Nhân dịp Việt Nam chuẩn bị đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Vũ Hồ, Vụ trưởng vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Dấu ấn Việt Nam trong các bước trưởng thành và lớn mạnh của ASEAN - ảnh 1 Ông Vũ Hồ, Vụ trưởng vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Việt Nam

Phóng viên: Thưa ông! Việc gia nhập ASEAN đã thể hiện rõ nét chính sách chủ động hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam, mở ra một thời kỳ hội nhập sâu vào khu vực của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực. Ông đánh giá như thế nào về những lợi ích mà ASEAN mang lại cho chúng ta?

Ông Vũ Hồ: Tôi cho rằng sau 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN có thể nhìn nhận mấy điểm tích cực như sau. Thứ nhất là lòng tin. Lòng tin giữa Việt Nam với các nước láng giềng được nâng lên rõ rệt. Hội nhập của Việt Nam hiệu quả hơn, không chỉ là hội nhập khu vực mà là hội nhập thế giới. Nếu không phải là thành viên ASEAN thì liệu chúng ta có gia nhập được WTO hay không?

Với việc gia nhập ASEAN, rõ ràng lòng tin của Việt Nam với các nước và ngược lại lòng tin của các nước đối với Việt Nam đã được nâng lên.

Liệu chúng ta có thành công trong năm APEC 2006 và APEC 2017 hay không? Nếu như năm 1995 chúng ta không trở thành thành viên ASEAN thì cũng khó có thể bình thường hóa quan hệ với Mỹ. 

Thứ hai là nhận thức. Rõ ràng là nhận thức của chúng ta trong thời chiến tranh lạnh khác so với thời gian 25 năm tham gia ASEAN. Đó là sự khác biệt giữa đối đầu và đối thoại. Cái mà chúng ta đạt được sau 25 năm tham gia ASEAN từ 1995 cho đến nay là đối thoại thì chúng ta đang làm trong các vấn đề, từ cả những vấn đề khó khăn nhất. Ví dụ trong vấn đề Biển Đông, chúng ta đã nhận thức hoàn toàn khác so với thời kỳ chiến tranh lạnh là đối thoại. Có đối thoại, hợp tác, trao đổi, thống nhất chứ không còn đối đầu. Đó là sự khác biệt về chất.

Thứ ba là kinh tế. Năm 1995 Việt Nam tham gia vào Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), đàm phán ký kết Hiệp định ưu đãi thuế quan của ASEAN (CPT). Nếu không ký kết tham gia AFTA thì cũng chưa chắc chúng ta đã ký được Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU hay Hiệp thương mại (BTA) với Mỹ năm 2000. Rõ ràng tham gia vào ASEAN là chúng ta tham gia vào sân tập trước khi ra sân chơi khác rộng lớn hơn.

Thứ tư là con người. Con người của chúng ta đã thay đổi nhiều nhờ ASEAN. Những thủ tục, quy định của ASEAN rõ ràng đang ngấm dần, cách ứng xử của chúng ta dần theo chuẩn chung của khu vực. Như vậy, có thể thấy đạt được 4 kết quả quan trọng khi tham gia ASEAN: Đó là ý thức, nhận thức, cách tiếp cận và con người.

Dấu ấn Việt Nam trong các bước trưởng thành và lớn mạnh của ASEAN - ảnh 2Sự kết nối trong ASEAN ngày một chặt chẽ 

Phóng viên: So với lần thứ nhất đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN cách đây 10 năm, ông đánh giá như thế nào về những thuận lợi và khó khăn của Việt Nam trên cương  vị Chủ tịch ASEAN lần này?

Ông Vũ Hồ: Thuận lợi thứ nhất là nhận thức của chúng ta về khu vực đã có nhiều thay đổi. Sự tham gia của Việt Nam sâu rộng hơn vào tất cả tiến trình đang diễn ra trong khu vực, cả chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa xã hội. Rõ ràng, nhận thức của chúng ta rộng, sâu và cao hơn so với 2010. Thứ hai là vị thế, hình ảnh, vai trò của Việt Nam khác hẳn so với 2010, vai trò của Việt Nam được khẳng định ở mức độ cao hơn. Sau 2010, cộng đồng ASEAN đã phát triển trong 10 năm và đã có những sự tiến bộ nhất định, tiến bộ mà tất cả các nước đều ghi nhận trong tiến trình xây dựng cộng đồng. Hiểu biết, tin cậy, cam kết đã ở mức độ cao hơn so với trước kia. Đây cũng là thuận lợi cho Việt Nam khi xây dựng đồng thuận, triển khai các sáng kiến, khi thúc đẩy bất cứ ưu tiên nào. Thứ 4, đó là con người, vốn là thứ quyết định trong mọi hoạt động. Con người Việt Nam 2010 khác so với 2020, trưởng thành hơn, hiểu biết hơn và có cách tiếp cận tỉnh táo hơn trong tất cả các vấn đề.

Vai trò chủ tịch ASEAN là làm sao phải bảo đảm đồng thuận, đoàn kết trong nội bộ và được sự ủng hộ của các đối tác. Đây là một thử thách cho vai trò của Việt Nam.
  Đó là những thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Thách thức đầu tiên là tình hình quốc tế và khu vực, khác xa so với 2010. Nếu năm 2010 chúng ta mới ở giai đoạn xây dựng lòng tin thì đến 2020 là giai đoạn phòng ngừa. Tình hình thế giới, khu vực thì không ai có thể lường trước được, thì ngăn ngừa tranh chấp, xung đột là phải lo. Thách thức thứ hai là cạnh tranh giữa các nước lớn đang ngày càng sâu rộng hơn, tác động trực tiếp đến vai trò chủ tịch ASEAN. Vai trò chủ tịch ASEAN là làm sao phải bảo đảm đồng thuận, đoàn kết trong nội bộ và được sự ủng hộ của các đối tác. Đây là một thử thách cho vai trò của Việt Nam. Ngoài ra, hiện nay những phức tạp đang diễn ra trong khu vực, tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải, nhận thức, cách tiếp cận khác nhau về giải quyết…, là những vấn đề Chủ tịch ASEAN phải đương đầu. Thách thức nữa là bộ máy ASEAN, hiện cồng kềnh, mỗi năm có hàng nghìn cuộc họp diễn ra khắp nơi. Làm sao thu xếp lại gọn lại, tổ chức lại hoạt động của ASEAN hiệu quả hơn, khoa học và hợp lý hơn, để nâng cao hiệu quả hoạt động. Sắp xếp lại hoạt động của các cơ chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt cũng là một yêu cầu.


Phóng viên: Vậy trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ có những ưu tiên cụ thể nào để thúc đẩy hợp tác nội khối?

Ông Vũ Hồ: Tháng 11 vừa qua, Việt Nam đã tiếp nhận vai trò chủ tịch ASEAN. Theo quy định của Hiến chương ASEAN thì vai trò này sẽ được bắt đầu từ 1/1/2020. Ưu tiên của Việt Nam đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo cho các nước ASEAN. Chủ đề ưu tiên của Việt Nam trong năm 2020 cho đến nay được các nước hết sức ủng hộ. Ưu tiên này trải rộng trên các lĩnh vực chính. Một là thúc đẩy đoàn kết của ASEAN. Tại sao chúng ta lại chọn chủ đề 2020 của ASEAN là một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng? Sự gắn kết này thể hiện là tăng cường và thúc đẩy xây dựng cộng đồng, triển khai xây dựng cộng đồng 2025 dựa trên đoàn kết thống nhất của ASEAN; nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình khu vực, trước các thách thức từ bên trong và bên ngoài; Mở rộng quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài, đưa ASEAN trở thành lực lượng chủ đạo, trung tâm trong cùng cộng đồng hỗ trợ cho khu vực, cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với các thách thức đang đặt ra.

Tuy nhiên, ngoài ra còn ưu tiên nữa là đưa ASEAN trở thành một tổ chức hoạt động hiệu quả, ngày càng khoa học hơn, đáp ứng yêu cầu của thời đại.

Dấu ấn Việt Nam trong các bước trưởng thành và lớn mạnh của ASEAN - ảnh 3ASEAN được các đối tác coi trọng vì vai trò và tầm ảnh hưởng ngày càng rộng mở 

Phóng viên: Năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò kép, vừa là Chủ tịch ASEAN, vừa là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Vậy vai trò kép này sẽ hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong nâng cao vị thế khu vực và quốc tế, thưa ông?

Ông Vũ Hồ: Dù ở vai trò nào Chủ tịch ASEAN hay thành viên không thường trực HĐBA LHQ, thì đều phục vụ cho một mục tiêu đó là xây dựng một môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn để phát triển trong khu vực, trong đó có sự phát triển của Việt Nam. Đó là mục tiêu cao nhất.

Tôi cho rằng đây là những trọng trách mà chúng ta phải gánh vác trong thời đại hiện nay khi mà chúng ta muốn có vai trò lớn hơn, tham gia sâu hơn vào các diễn biến khu vực và thế giới. Việc tiếp nhận hai vai trò này là việc phải làm. Ngoài ra, chúng ta cũng tự hào là sau 25 năm tham gia vào hợp tác ASEAN, đã đến lúc chúng ta phải tham gia tích cực, chủ động hơn, trách nhiệm hơn vào công việc chung của khu vực và rộng hơn là thế giới. Cho nên chúng ta có lẽ không nên quá tập trung vào vai trò kép này mà nên xem là Việt Nam đã làm được những gì cho cộng đồng. Với hình ảnh, vị thế, vai trò hiện nay của Việt Nam, chúng ta có thể đóng góp được gì cho khu vực và quốc tế, cho dù là Chủ tịch, ủy viên không thường trực hay bất kỳ vị trí gì.

Phóng viên: Vấn đề Biển Đông trong chương trình nghị sự của ASEAN 2020?

Ông Vũ Hồ: Theo tôi không nên gọi là vấn đề Biển Đông. Không nên dùng chữ vấn đề. Khi tất cả những điều xảy ra trên thực địa đều ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông. Đó là câu chuyện tất cả phải nhìn nhận. Hòa bình ổn định là mục tiêu chung của tất cả các nước cho dù lớn, nhỏ, đều phải có nghĩa vụ chung đóng góp cho hòa bình khu vực. Dù muốn hay không, tự do lưu chuyển, hàng hải là giá trị chung, phổ quát, dựa trên luật pháp và không ai có thể phủ nhận

Thực tế, mỗi quốc gia trong quan hệ quốc tế đều có sự khác biệt, đều gặp phải những tranh chấp và không thể tránh khỏi. Để giải quyết, cần có những phương thức đó là hòa bình, giải quyết hòa bình tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982, không thể được phép vượt ra ngoài khuôn khổ. Đó là quy định của luật pháp quốc tế, dù đòi hỏi hay hành xử gì đều phải dựa trên nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Khu vực này có những quy định riêng, yêu cầu riêng. Yêu cầu đó không phải là gì mới cả mà dựa trên giá trị chuẩn mực đã được cả thế giới công nhận. Ví dụ DOC, phải tôn trọng, trong khi đang chờ đợi một bản COC. COC là sự đóng góp của tất cả các bên cho một trật tự khu vực dựa trên luật lệ. Ngoài ra còn những thách thức đang diễn ra trên mặt biển. Ví dụ vấn đề ngư dân gặp nạn trên biển, nạn rác thải nhựa, môi trường ô nhiễm… thì vẫn cần có hành xử văn minh, có ứng xử nhất định dựa trên luật lệ, luật pháp quốc tế. Những hành vi không thể chấp nhận được là biến khu vực trở thành khu vực quân sự, hay các hành vi xây dựng, tôn tạo, bồi đắp, ảnh hưởng tới môi trường, hòa bình, ổn định. Điều đó không thể chấp nhận được. Đó là câu chuyện Biển Đông trong ASEAN. Ngoài ra, nên phân định rạch ròi đâu là tranh chấp song phương, đâu là tranh chấp đa phương và có cách ứng xử đúng với thế kỷ 21.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác