Việt Nam và Thái Lan khởi động sáng kiến hợp tác mới

(VOV5) - Thủ tướng Thái Lan thăm Việt Nam, thúc đẩy kim ngạch song phương lên 25 tỷ USD, mở rộng hợp tác chiến lược và kết nối khu vực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động.
Việt Nam và Thái Lan khởi động sáng kiến hợp tác mới - ảnh 1
Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Urawadee Sriphiromya trả lời phỏng vấn phóng viên VOV5. Ảnh: MediaVOV5

Trong 2 ngày 15 và 16/5, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra sẽ thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 4 Nội các chung Việt Nam-Thái Lan. Chuyến thăm không chỉ đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương mà còn mở ra những cơ hội hợp tác sâu rộng giữa hai nước, đặc biệt là hiện thực hóa mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD trong tương lai gần.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1976-2026). Chuyến thăm sẽ định hướng cho các sáng kiến hợp tác kinh tế mới, củng cố vững chắc quan hệ Đối tác chiến lược và nâng tầm quan hệ lên mức cao hơn.

Hướng tới mục tiêu trao đổi thương mại cao hơn

Việt Nam và Thái Lan khởi động sáng kiến hợp tác mới - ảnh 2

Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia ở khu vực Đông Nam Á có quan hệ gắn bó gần gũi và nồng ấm trên nhiều bình diện. Đây là nền tảng vững chắc cho hợp tác song phương phát triển, nhất là lĩnh vực hợp tác kinh tế.

Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN và đứng thứ 9 trong số các nước có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Các nhà đầu tư Thái Lan đã vào đầu tư tại Việt Nam từ rất sớm, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực. Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Urawadee Sriphiromya khẳng định: "Qua việc tiếp xúc với khối doanh nghiệp, tôi nhận thấy các nhà đầu tư đều rất tin tưởng vào tiềm năng và các chính sách hỗ trợ thúc đẩy đầu tư của Việt Nam và họ cho rằng Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư số 1 của Thái Lan tại nước ngoài. Các nhà đầu tư Thái Lan luôn đứng trong top 10 các nhà đầu tư ngoại tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký lên tới 14 tỷ USD với đa dạng các lĩnh vực, điển hình là các trung tâm thương mại Go của tập đoàn Central Retail, các khu công nghiệp của tập đoàn Amata, WHA…".

Năm ngoái, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức từ trong khu vực và trên thế giới, kim ngạch thương mại song phương hai nước vẫn tăng 6,3 % so với năm 2023, đạt hơn 20 tỷ USD. Hợp tác địa phương mở rộng với 19 cặp tỉnh, thành phố đã ký thỏa thuận hợp tác và kết nghĩa.

Trên nền tảng đó, trao đổi về các giải pháp nhằm thúc đẩy thương mại chung giữa hai nước chắc chắn sẽ là nội dung trọng tâm của hai Thủ tướng trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, nhất là trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực, trong đó có Thái Lan và Việt Nam đang phải đối mặt với sự bất ổn của tình hình quốc tế, sự thay đổi về địa chính trị và địa kinh tế, dẫn đến việc cả hai nước phải đối mặt với những thách thức to lớn về kinh tế.

Việt Nam và Thái Lan khởi động sáng kiến hợp tác mới - ảnh 3

Thúc đẩy chiến lược Ba kết nối

Hiện nay, hai nước cũng đang thực hiện hiệu quả Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan giai đoạn 2022-2027, trong đó có chiến lược “Ba kết nối”, bao gồm: Kết nối chuỗi cung ứng trong các ngành; Kết nối các doanh nghiệp và địa phương của hai nước; Kết nối các chiến lược phát triển bền vững. Gần đây, Thái Lan đã phê duyệt một số dự án phát triển kinh tế ở vùng Đông Bắc Thái Lan, nơi có cộng đồng kiều bào gốc Việt. Những dự án này dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng vùng nói riêng, cũng như hợp tác kinh tế Thái Lan – Việt Nam nói chung. Học giả Kavi Chongkittavorn, nhà nghiên cứu quốc tế hàng đầu tại Thái Lan, cho biết: "Đây là một dự án rất tốt vì nó đưa ra đề xuất về “Ba kết nối” ở cấp độ cơ sở. Chúng ta có chuỗi cung ứng, có nhà sản xuất địa phương, có cộng đồng địa phương kết nối với nhau và dự án sẽ liên kết vùng đông bắc Thái Lan với miền trung Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp hai nước hợp tác trong giao dịch thương mại cũng như giao lưu nhân dân".

Việt Nam và Thái Lan khởi động sáng kiến hợp tác mới - ảnh 4
Học giả Kavi Chongkittavorn, nhà nghiên cứu quốc tế hàng đầu tại Thái Lan. Ảnh: VOV

Trong lĩnh vực vận tải, logistic nhiều tiềm năng, hiện nay, cả Việt Nam và Thái Lan đều tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, giúp di chuyển rất thuận tiện, dù không có đường biên giới chung. Về tiềm năng này, Đại sứ Urawadee Sriphiromya cho rằng: "Thái Lan có kế hoạch phát triển tuyến đường sắt trong khi Việt Nam Học giả Kavi Chongkittavorn, nhà nghiên cứu quốc tế hàng đầu tại Thái Lancũng có những kế hoạch phát triển hạ tầng trên nhiều lĩnh vực. Do vậy, chúng ta có nhiều điều kiện để phát triển, đặc biệt là giao thông vận tải, trong đó có vận tải hàng hóa từ Thái Lan qua Việt Nam. Tôi biết rằng Chính phủ Việt Nam rất coi trọng việc phát triển hệ thống logistic và tạo thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa. Tôi từng tới thăm quan cửa khẩu và nhận thấy phía Việt Nam phát triển hạ tầng giao thông rất đồng bộ".

Ngoài ra, hàng loạt dự án khác đang được hai bên tích cực triển khai, như: hợp tác giữa Viện Giáo dục Đại học Thái Lan và Đại học FPT về robot và trí tuệ nhân tạo (AI), các dự án kết nối doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực tăng trưởng xanh (Việt Nam) và mô hình kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh (Thái Lan); thúc đẩy du lịch “6 quốc gia, 1 điểm đến”.

Dựa trên những kết quả hợp tác thời gian qua, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra sẽ mở ra những cơ hội hợp tác sâu rộng giữa hai nước, hiện thực hóa mục tiêu nâng kim ngạch song phương, thúc đẩy các dự án kết nối vùng mang lại lợi ích cho mối nước trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động. Chuyến thăm cũng góp phần củng cố hợp tác trong ASEAN khi cả Việt Nam và Thái Lan luôn tích cực ủng hộ và giúp đỡ nhau tăng cường sức mạnh ASEAN.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác