Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019: Thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân

(VOV5) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định cộng đồng doanh nghiệp chính là động lực cho tăng trưởng, là chủ thể, là lực lượng hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019: Thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân - ảnh 1

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ VBF 2019 có sự tham dự của khoảng 500 đại biểu đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và 13 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019 với chủ đề “Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững” diễn ra sáng 26/06, tại Hà Nội. Sự kiện do Liên minh VBF phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức.

Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng và đề xuất những giải pháp ở các nhóm ngành: cơ sở hạ tầng và năng lượng; thị trường vốn và ngân hàng; giáo dục và đào tạo; nhân lực; nông ngiệp; đầu tư và thương mại; thuế và hải quan; du lịch. Trong đó, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu mong muốn Chính phủ đẩy nhanh tiến trình đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết. Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đến các quy định pháp luật ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh... Bên cạnh đó, các nhóm công tác của Liên minh VBF và các bộ, ngành liên quan có sự trao đổi, giải trình và tiếp thu từng vấn đề cụ thể mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.

Trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp tham dự Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam hiện đang kiên định triển khai một số nhóm giải pháp lớn, đó là: “Trước hết, giữ vững môi trường kinh tế vĩ mô và chính trị - xã hội ổn định. Thứ 2, tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng một cách hợp lý. Thứ 3, ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Thứ 4, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, coi đây là nhân tố quyết định cho sự phát triển và sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Thứ 5, Việt Nam đang tập trung hoàn thiện thể chế theo hướng tạo môi trường minh bạch, cạnh tranh, thông thoáng hơn để huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Thứ 6, tập trung phát triển hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Thứ 7, Việt Nam tiếp tục thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới”.  

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định cộng đồng doanh nghiệp chính là động lực cho tăng trưởng, là chủ thể, là lực lượng hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trên 3 khía cạnh: kinh tế, pháp lý và đạo đức: “Về kinh tế, doanh nghiệp cần cân đối giữa mục tiêu lợi nhuận với sự đối xử thỏa đáng với người lao động, tạo cơ hội cho người lao động phát triển nghề và chuyên môn. Doanh nghiệp cũng cần tận dụng khoa học công nghệ để phát triển những nguồn tài nguyên mới, thúc đẩy tiến bộ công nghệ.. Về khía cạnh pháp lý, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ những quy định về pháp lý đối với các bên liên quan. Doanh nghiệp không thể tồn lại lâu dài nếu không thực hiện trách nhiệm pháp lý của mình. Về khía cạnh đạo đức, những gì doanh nghiệp quyết định đúng, cùng chia sẻ lợi ích sẽ được xã hội công nhận, tôn vinh”.

VBF là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác