Mặn mòi nghề muối Sa Huỳnh

(VOV5) - Các bạn trẻ kiều bào hiểu thêm về một nghề truyền thống của làng quê Sa Huỳnh, nơi có hạt muối hóa thân từ biển mặn, có giọt mồ hôi của người vun nghiệp muối trên đồng.

Một đoàn thanh niên kiều bào từ nhiều nước trên thế giới đã có dịp được đến thăm Quảng Ngãi và được xuống đồng trải nghiệm quy trình làm muối trên cánh đồng muối Sa Huỳnh. 

Mặn mòi nghề muối Sa Huỳnh - ảnh 1Người dân Sa Huỳnh xuống đồng cào muối giữa trưa nắng.

Nghe âm thanh tại đây:

Đồng muối Sa Huỳnh thuộc địa phận xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi được hình thành từ thế kỉ 19 và được người dân duy trì hơn 100 năm nay.  Từ đường quốc lộ 1A rẽ vào, các thanh niên kiều bào đã trầm trồ khi nhìn thấy những ô vuông muối nối tiếp nhau lung linh, óng ánh dưới ánh nắng mặt trời, sát bên đường là những đụn muối được phủ bạt chất cao. Chị hướng dẫn viên vừa chỉ tay xuống đồng muối nơi có những người dân đang khum người cào muối, vừa nói: “Nghề làm muối là nghề nặng nhọc. Bởi công việc phải làm việc ở ngoài đồng, thường xuyên tiếp xúc dưới cái nắng gắt của miền Trung. Những người diêm dân ở đây rất chịu thương chịu khó thì mới có thể bám trụ và gìn giữ nghề này cho đến ngày hôm nay”.

Mặn mòi nghề muối Sa Huỳnh - ảnh 2 Các thanh niên kiều bào thăm đồng muối Sa Huỳnh.

Quy trình làm muối từ bao đời của người dân được thực hiện theo những bước truyền thống. Đầu tiên người dân dẫn nước từ biển vào, từ các kênh mương đưa vào một bọng nước. Sau khi ruộng đã được san lấp ổn định độ bằng phẳng, nước được đưa vào ruộng. Người dân liên tục dùng trang đẩy nước đảm bảo ruộng không bị khô. Chỉ chờ đợi nắng lên và đủ nắng thì nước mặn sẽ kết tinh tạo thành muối. Để các hạt muối trắng trong và kết tinh rắn chắc, các diêm dân phải canh cho đủ ba nắng, muối khô và trắng thì sẽ cho thu hoạch. Ông Phạm Thành Công, 56 tuổi, có 40 năm làm muối trên cánh đồng Sa Huỳnh cho biết: “Chất lượng muối ở đồng muối này cao hơn so với các đồng muối khác. Muối Sa Huỳnh đã được cấp giấy chứng nhận. Đồng muối này lấy nước từ biển đưa vào. Chất đất hoàn toàn không có độ phèn như các nơi khác”.

Mặn mòi nghề muối Sa Huỳnh - ảnh 3Nhiều bạn trẻ lần đầu tiên được thử cào muối, đánh thành gò cho muối khô.
Mặn mòi nghề muối Sa Huỳnh - ảnh 4

Nguyễn Đức Thành trở về từ Ai Cập đã chụp ảnh vựa muối và xắn tay áo, xuống đồng, cào muối. “Ở Ai cập cũng có cánh đồng muối nhưng đây là lần đầu tiên em đến đây và em đến rất gần thậm chí là đứng cạnh người làm muối để thấy người làm muối làm việc như thế nào. Em thử thấy khá ngon. Em rất vui được đến tham quan chương trình này. Và để có cơ hội để biết nhiều hơn về văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam và đất nước Việt Nam”, Đức Thành chia sẻ.

Mặn mòi nghề muối Sa Huỳnh - ảnh 5Kiều bào trẻ thích thú chụp ảnh ghi lại kỷ niệm trên đồng muối 

Bí quyết cho ra hạt muối ngon và năng suất là khi ruộng bắt muối (kết tinh) thì người làm muối dùng bàn cào xới muối sau đó cào dồn đống. Muối khi kết tinh, hạt nọ đè lên hạt kia nên phải xới để muối rời ra. Để muối trắng, phải canh khi ruộng muối còn ít nước, cào lại dồn thành từng đụn, còn để ruộng khô thì muối sẽ đen.

Trước đây, người dân làm muối thủ công (muối kết tinh trên nền đất) nên muối không được trắng, chất lượng không cao. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của nhà nước, người dân ở đây mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để thay đổi mô hình ứng dụng mới về muối. Trong đó, 7km đê ngăn mặn đã được xây dựng và hơn một phần ba diện tích của cánh đồng muối đã được trải bê tông và trải bạt. Hạt muối trắng hơn, rắn chắc hơn và không có pha tạp. Từ đó, hạt muối Sa Huỳnh được thị trường tiêu thụ ưa chuộng. Năm 2011, làng muối Sa Huỳnh được Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ khoa học và công nghệ công nhận là nhãn hiệu muối độc quyền. Năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi quyết định ban hành quy hoạch chi tiết vùng muối Sa Huỳnh giai đoạn 2016 -2025 và định hướng đến năm 2030 với diện tích 144,7 ha.

Mặn mòi nghề muối Sa Huỳnh - ảnh 6

Để thu được những mẻ muối chất lượng đến tay người tiêu dùng, trên các thửa ruộng được chia thành các ô vuông vắn, giữa cái nắng ban trưa của miền trung, người dân Sa Huỳnh vẫn miệt mài, cần mẫn dùng bàn cào để xới muối. Tào Thanh Bình, kiều bào Đức, lần đầu tiên đến đây và cũng lần đầu tiên nhón tay, nếm thử hạt muối ngay trên ô ruộng sắp thu hoạch: “Em chưa bao giờ được đến cánh đồng muối nào khác ngoài cánh đồng muối này. Em tận mắt nhìn thấy họ sản xuất muối từ tự nhiên không phải từ máy móc. Làm muối rất vất vả và chỉ mùa hè thì mới làm muối được hiệu quả. Tuy nhiên, người dân ở đây làm việc vất vả mà thu nhập không được nhiều. Các bạn kiều bào đến đây hỗ trợ được đôi phần cho người dân, em thấy rất là vui và hạnh phúc”.

Mặn mòi nghề muối Sa Huỳnh - ảnh 7Muối sau khi thu hoạch được người dân đóng bao, phủ bạt chờ xe chuyển đi tiêu thụ

Cảm nhận vị mặn mòi từ gió biển, vị mặn mồ hôi của diêm dân in bóng xuống đồng, các kiều bào trẻ đã hỗ trợ năm gia đình, mỗi hộ một triệu đồng để chia sẻ sự vất vả và khâm phục tình yêu lao động của các cô bác nông dân làm nên hạt muối trắng tinh khôi.

Mặn mòi nghề muối Sa Huỳnh - ảnh 8

Trở ra về khi bóng nắng bắt đầu ngả về tây, các bạn trẻ kiều bào hiểu thêm phần nào về một nghề truyền thống của làng quê Sa Huỳnh, nơi có hạt muối hóa thân từ biển mặn, có giọt mồ hôi của người vun nghiệp muối trên đồng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác