Mang nét đẹp Việt đến đất Thái

(VOV5) - Gìn giữ nét Việt cho thế hệ trẻ nơi xa xứ là điều mà bà Nguyễn Thị Thanh Sớm, kiều bào ở Nakhonphanom, Thái Lan luôn tâm niệm.

Mang nét đẹp Việt đến đất Thái - ảnh 1
Bà Thanh Sớm trong trang phục cổ truyền Việt Nam, tại một hội chợ giới thiệu món ăn Việt Nam tại Thái Lan

Nghe nội dung bài viết tại đây:




Những giai điệu của ca khúc “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” được bà Thanh Sớm hát trong buổi gặp gỡ cuối tuần của bà con người Việt ở Nakhomphanom, như mang theo cả cái lạnh đầu đông quê nhà vào nỗi nhớ trong lòng những người con xa xứ. Một nốt lặng để rồi từ đây, những nỗi niềm sẽ được sẻ chia, là những câu chuyện đời thường, những vui buồn trong cuộc sống, những tin tức từ quê nhà… Là một thành viên tích cực trong hoạt động cộng đồng, bà Thanh Sớm chia sẻ: "Ở Nakhonphanom hoạt động Hội cũng mạnh, được bà con quan tâm. Cứ đến mỗi cuối tuần, chúng tôi lại tổ chức gặp mặt, nấu cháo, pha cà phê để bà con đến chơi, ăn uống và trò chuyện cùng nhau, để tăng cường sự kết nối giữa Hội và bà con".

Ở Nakhonphanom - mảnh đất văn hóa của vùng Đông Bắc Thái Lan, có đến gần 30% dân số là Việt kiều và người Thái gốc Việt. Phần lớn họ di cư sang đây từ những năm 40, 50 của thế kỷ trước, cho đến nay hầu như chỉ còn lại thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3 trở đi. Thế nhưng, bản sắc văn hóa Việt vẫn được duy trì và phát huy, với sự nỗ lực của những cá nhân “cốt cán”, mà như bà Thanh Sớm tự nhận là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Mặc dù bận rộn với công việc kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhưng bà Thanh Sớm vẫn thu xếp thời gian dành cho công tác cộng đồng. Đặc biệt, bà là người khởi xướng và phát triển đội múa của người Việt tỉnh Nakhonphanom trong nhiều năm nay. "Tôi là người triệu tập các cháu, từ khi các cháu còn nhỏ đến nay đã lớn chuẩn bị vào Đại học. Triệu tập các cháu rất khó, được em này lại vắng em kia, cho nên nếu không có sự quyết tâm thì không thể làm được. Đội múa cũng có nhiều phát triển vì đã trở thành đội múa của tỉnh Nakhonphanom. Mỗi khi chính quyền Thái đón đoàn Việt Nam thì họ lại đến nhờ và tôi lại dắt các cháu đi biểu diễn".

Bà Thanh Sớm cho biết, đội múa hiện có khoảng 10 em, là con em các gia đình người Việt đang sinh sống, định cư ở Nakhonphanom. Cuộc sống của bà con nơi đây rất phong phú về tinh thần, đa dạng về bản sắc nhưng trên hết là tình đoàn kết, một lòng hướng về Tổ quốc. Cùng với những buổi gặp gỡ mỗi cuối tuần, những dịp như Quốc khánh, lễ tết hay là ngày lễ cưới hỏi, giỗ chạp... cộng đồng người Việt ở đây cũng quây tụ lại để cùng chia sẻ, gặp gỡ, hàn huyên. Dù là việc chung của cả cộng đồng hay việc riêng của một gia đình nhưng những buổi gặp gỡ như thế không bao giờ dưới vài trăm người đến tham gia. Và những dịp như thế, đội múa lại đóng góp các tiết mục “cây nhà lá vườn” nhưng không kém phần tinh tế, đặc sắc. Bà Sớm tâm sự: "Mỗi lần có các điệu múa mới, tôi lại bay sang Hà Nội để mua những trang phục đi múa, như múa nón, múa hoa sen, múa quạt, múa nón. Các điệu múa đều do tôi xem trên internet rồi nhớ và dạy lại cho các cháu chứ không có được học chính quy, mà chỉ là do mình thích thôi. Đội múa này cũng đã có tiếng. Dịp Tết Thái gần đây ở ĐSQ, đại sứ Nguyễn Tất Thành đã nêu gương cô Nguyễn Thị Thanh Sớm đã dạy múa cho các em, và còn dạy cả tiếng Việt. Lúc được gọi tên, tôi cũng bất ngờ vì không biết mình đã có thành tích gì nhiều để được nêu danh như vậy. Tôi cũng thấy vinh dự và vui, muốn tiếp tục làm nữa".

Không chỉ dạy múa, dạy hát, "cô giáo” Thanh Sớm còn yêu cầu các học sinh của mình học nói tiếng Việt như là một điều kiện đầu tiên khi muốn gia nhập đội. Bà bảo, như thế có nghĩa là “mua thêm việc”, nhưng sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều nếu như các em có thể chào hỏi, trao đổi với quan khách hay giới thiệu những điệu múa của mình bằng tiếng Việt. "Tôi nghĩ rằng nếu không có ai làm những việc này thì văn hóa của VN sẽ bị mất đi. Thế nên mình phải làm sao để lớp trẻ biết rằng mình có cái gốc là của người VN. Ông xã tôi rất ủng hộ vợ phục vụ cộng đồng. Các con cũng thế. Tôi nghĩ là mỗi người Việt Nam đều phải có trách nhiệm bảo tồn văn hóa Việt Nam" - bà Sớm tâm sự.

Cứ như thế, bà Thanh Sớm bền bỉ duy trì những nét đẹp Việt trên đất Thái. Và, ở nơi cách xa hàng nghìn cây số, bản sắc văn hóa Việt không những không bị mờ phai mà trái lại nó như một dòng sông chảy mãi trong tâm hồn, trong trái tim của mỗi một người Việt Nam ở Nakhonphanom.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác