Một người yêu nước mình

(VOV5)-  Chuyện cũ rồi mà". Nguyễn Trọng Hiền cười, nụ cười hiền lành mờ sau cặp kính, định gạt đi khi nghe lời đề nghị thu thanh của tôi về chuyện anh cắm cờ Tổ quốc tại Nam Cực năm 1993.

Điều quan trọng không phải anh là người cắm cờ Việt Nam đầu tiên hay thứ mấy. Lá cờ đỏ sao vàng ấy, anh đã tự tay làm lấy từ lá cờ của những người bạn khác quốc tịch, trong cái giá lạnh âm 60 độ C của vùng cực băng giá, với một niềm tự hào từ huyết quản rằng: nếu những cường quốc khác có quốc kỳ tại Nam Cực, thì quốc kỳ Việt Nam cũng hiện diện tại nơi này, giản dị vậy thôi.


Một người yêu nước mình - ảnh 1
Nguyễn Trọng Hiền ở Nam Cực

Thời điểm đó Hiền chưa phải là khoa học gia nghiên cứu chuyên sâu tại cơ quan Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ NASA (số lượng khoa học gia chỉ khoảng 50/5000 nhân viên của NASA). Nhưng anh đến Nam Cực với cương vị người đứng đầu nhóm các nhà khoa học ở chuyến đi ấy. (Anh đính chính với tôi rằng, anh chỉ là người đứng đầu với danh nghĩa "danh dự", nghĩa là chịu trách nhiệm báo cáo chung. Nhưng con đường để nhà khoa học đưa lá cờ Tổ quốc đến Nam Cực ấy, chỉ khoảng hơn 10 năm sau những ngày tháng khó khăn khi anh tới Mỹ. Và cũng từ sau đó, anh đã nhiều lần về Việt Nam tham gia Hội nghị gặp gỡ Việt Nam theo lời mời của Giáo sư Trần Thanh Vân (ở Pháp) và Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu.

Về nước nhiều lần để tìm các cơ hội hợp tác, vẫn cộng tác với nhiều cơ quan khoa học trong nước, nhưng anh hơi buồn vì vẫn chưa thực hiện được những ước mong của mình, ví dụ như đưa sinh viên giỏi của Việt Nam ra nước ngoài thực tập, nghiên cứu sinh chẳng hạn, phần vì ngành nghiên cứu của anh trong nước chưa có, phần vì NASA - nơi anh làm việc - chưa đặt Việt Nam trong danh sách của mình. Hiền nói anh mới tham gia kết hợp làm việc ở Đại học Caltech, và anh hy vọng nơi này sẽ là cầu nối giúp anh thực hiện việc đưa sinh viên đi học. Còn xa hơn: "Tôi biết, các em học sinh bây giờ giỏi lắm, giỏi hơn chúng  tôi rất nhiều. Các em như tờ giấy trắng, vẽ nên như thế nào là do người thầy. Tôi biết trong nước nói nhiều đến việc thực hiện những mô hình giáo dục đại học mới. Tôi hy vọng một ngày sẽ được giảng dạy ở Việt Nam."

Tiến sĩ Hiền không băn khoăn nhiều về vấn đề chảy máu chất xám. Anh nói điều đó không đáng ngại trong thời đại toàn cầu hoá, xa lộ thông tin internet rộng mở như hiện nay. Điều quan trọng là môi trường làm việc để người làm khoa học phát huy hết sở trường của mình. Anh tâm sự "Ví dụ như riêng bản thân, tôi thực sự biết mình chưa đóng góp được cho đất nước như những gì mình mong mỏi. Nhưng nếu ở Việt Nam, tôi còn đóng góp cho nước mình được ít hơn cả những gì bây giờ tôi đã làm được nữa. Tôi biết rất nhiều người ra đi đã và sẽ mang về."             

Có những nhà khoa học cho cảm giác sâu sắc về một người yêu nước mình, dẫu họ không bao giờ nói đến những từ ấy - mà tôi đã vinh hạnh có một số lần được gặp trong đời. Đó là những con người trong bất kỳ công việc gì của mình cũng yêu sự liêm chính và dành tâm huyết của mình cho sự phát triển của khoa học, cho sự cường thịnh của đất nước. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu từng nói rằng, các nhà khoa học chân chính đều yêu nước, vậy việc của những người làm quản lý nói chung cũng như làm quản lý khoa học là phải làm sao để lòng yêu nước đó phục vụ thiết thực cho tổ quốc.

Phút chia tay vội vã, nghe tôi hỏi có cần gửi cho anh CD chương trình phỏng vấn, Nguyễn Trọng Hiền vui như một đứa trẻ: "Có chứ. Để tôi gửi cho mẹ. Mẹ tôi sẽ tự hào lắm".

Và tôi nghĩ, không chỉ mẹ anh tự hào về một người con như anh...

                                   

Sang Mỹ từ năm 1981, khi 18 tuổi, Nguyễn Trọng Hiền tốt nghiệp khoa Vật lý trường Đại học Berkeley, hoàn tất bằng tiến sỹ vật lý tại Đại học Princeton với chuyên ngành nghiên cứu bức xạ nền vũ trụ và nghiên cứu sinh sau tiến sỹ chuyên ngành Vật lý thiên văn của Đại học Chicago. Tiến sĩ Hiền là chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu của Phân ban Vật lý Thiên văn, thuộc Phòng thí nghiệm phản lực NASA (Jet Propulsion Laboratory), và là thành viên của Nhóm chuyên ban Vũ trụ học.

                                                                                                 VOV5-Phát sóng 3/2006                  


Phản hồi

Các tin/bài khác