Thêm nhiều học sinh Việt Nam sang học nghề ở bang Sachsen

(VOV5) - Ngày 22/7 tại Glauchau, ông Michael Petzschke, Trưởng dự án hỗ trợ dạy nghề của công ty Xây dựng Sachsen (BFW) cho biết, cuối tháng 8 sẽ có thêm nhiều học sinh Việt Nam được sang học nghề ở Westsachsen, Vogtland và Mittelsachsen (Đức).


Thêm nhiều học sinh Việt Nam sang học nghề ở bang Sachsen - ảnh 1

 Trung tâm dạy nghề Freiberg


Các bạn trẻ này hiện đang theo học một khóa tiếng Đức đặc biệt ở Việt Nam để thi bằng B1, sẽ bắt đầu học các nghề trong lĩnh vực xây dựng, chăm sóc người gia và du lịch từ đầu năm học mới. Ông Petzschke nhấn mạnh: "Với kế hoạch này, chúng tôi muốn đối phó với việc thiếu nhân lực chuyên môn".


Để thực hiện dự án này, BFW hợp tác chặt chẽ với Medi-Campus Sachsen, một cơ sở đào tạo các nghề y tế không thu học phí ở Chemnitz. Trưởng cơ sở đào tạo Medi-Campus Simone Pitsch cho biết, trường của bà và BFW hiện nay là những cơ sở duy nhất nhận học sinh Việt Nam sang học nghề theo diện đào tạo kép, học đi đôi với hành.

Dự án này đã được bắt đầu từ năm ngoái. Tháng 9/2014, có 32 học sinh Việt Nam sang học các nghề trong lĩnh vực xây dựng và chăm sóc người già. Bà Simone Pitsch cho biết: "Các học sinh này hiện vẫn còn ở đây và hỗ trợ cho các học sinh mới".

Giờ đây sẽ có thêm 42 học sinh từ Hà Nội và Đà Nẵng, trong đó có 12 người học nghề khách sạn, nhà hàng cũng như đầu bếp trong lĩnh vực du lịch. Từ tháng 9 sẽ có 22 người được đào tạo nghề điều dưỡng viên chăm sóc người già. Những người còn lại có hợp đồng đào tạo với các xí nghiệp xây dựng trong vùng. Những học sinh này từ 22 tới 30 tuổi sẽ được học lý thuyết ở các trung tâm dạy nghề ở Zwickau và Freiberg, cũng như ở Medi-Campus tại Chemnitz.

Những cơ sở dạy nghề được phân chia ra nhiều địa điểm trong vùng. Riêng trong lĩnh vực xây dựng, số doanh nghiệp nhận học sinh Việt Nam vào học nghề sau đó nhận vào làm việc với tư cách công nhân lành nghề sẽ tăng từ 11 doanh nghiệp hiện nay lên 19 doanh nghiệp kể từ tháng 9 tới. Trong lĩnh vực điều dưỡng viên, số doanh nghiệp sẽ tăng từ 6 lên 8 doanh nghiệp. Trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng sẽ có 8 xí nghiệp lần đầu tiên nhận học sinh học nghề Việt Nam.

Học sinh học nghề Việt Nam sẽ được sắp xếp ở trong các ký túc xá hoặc ở chung nhau trong các căn hộ (WG), gần nơi học nghề.

Bà Simone cho biết, điều đặc biệt quan trọng là các đối tác phải hợp tác chặt chẽ cùng nhau cũng như giúp đỡ cá nhân để các học sinh học nghề từ Việt Nam hội nhập với điều kiện và phương pháp dạy nghề ở Đức. Những học sinh học nghề Việt Nam đang học ở đây rất chăm chỉ. Họ còn dành một phần tiền trong học bổng học nghề để gửi về giúp đỡ gia đình ở Việt Nam.

Ông Petzschke cũng cho biết từ năm 2010 BFW đã hoạt động ở Việt Nam và đã xây dựng ở đó một mô hình nhà dạy nghề trong ngành xây dựng, vì vậy Việt Nam được chọn làm quốc gia đối tác trong việc lựa chọn học sinh sang học nghề và làm việc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác