Đồng bào dân tộc Pà Thẻn ở xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, có phong tục đón Tết sớm. Cứ vào cuối tháng Chạp âm lịch hằng năm, khi lúa đầy bồ, lợn gà nuôi đủ béo, cộng đồng người Pà Thẻn bắt đầu ăn Tết với những nghi lễ truyền thống độc đáo.
Dân tộc Pà Thẻn ở Việt Nam hiện nay có khoảng 10.000 người, sống tập trung ở một số xã thuộc các huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Bắc Quang, Quang Bình (Hà Giang). Trong đó, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, là nơi tập trung đông nhất với gần 500 hộ và khoảng 3.000 người. Do sinh sống đông đúc, cộng đồng người Pà Thẻn vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa riêng vốn có của dân tộc mình, nhất là những phong tục truyền thống đặc sắc trong dịp Tết, xuân.
Lễ Cúng ngày 30 Tết của đồng bào Pà Thẻn. Ảnh: Vĩnh Phong/VOV5 |
Những ngày cuối tháng Chạp, khi hoa đào, hoa mận bừng nở trong vườn nhà, trên sườn đồi, cũng là lúc người Pà Thẻn ở xã Tân Bắc đón Tết sớm.
Thầy cúng Sìn Văn Phong, thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, cho biết: "Chuẩn bị cho Tết, người dân sẽ chuẩn bị rượu, củi đun, gà, lợn, gạo nếp để làm bánh. Đối với người dân, là phải chuẩn bị để làm bánh dày, đặc sản của người Pà Thẻn. Nhà có gà sẽ nhốt vào, cho ăn sạch, uống nước sạch để Tết cúng và ăn. Ngoài ra, chuẩn bị đồ chơi để cho trẻ con... Ngày xưa thì chuẩn bị chơi đánh Yến, đành cù. Nhà nào có lợn đã nhốt từ tháng 10, cũng cho ăn uống sạch sẽ để gần Tết sẽ ăn.
Các thành viên trong gia đình cùng thắp hương để cầu xin Tổ tiên phù hộ cho năm mới bình an, mùa màng bội thu. Ảnh: Vĩnh Phong/VOV5 |
Trong căn nhà khang trang, gia đình chị Phù Thị Thiên, nhộn nhịp hơn thường ngày. Từ sớm tinh mơ, anh em, họ hàng khắp các thôn đến chung vui đón Tết cùng gia đình. Gia đình đã chuẩn bị các nguyên liệu để làm bánh chưng, bánh sừng Trâu, bánh dày... và cùng mọi người mổ lợn, rót rượu… Chị Thiên chia sẻ trước đây, gia đình và nhiều hộ người Pà Thẻn trong xã còn khó khăn, Tết chỉ có rượu, cơm và ít thịt mua ngoài chợ. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng sự nỗ lực của người dân, cộng đồng người Pà Thẻn nói chung, gia đình nói riêng có cuộc sống khởi sắc.
Cuộc sống đã đầy đủ nên Tết đến, gia đình nào cũng mổ lợn, mổ gà, làm bánh... mời anh em, họ hàng đến chung vui. Chị Phù Thị Thiên, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, cho biết đồng bào dân tộc Pà Thẻn tổ chức đón Tết sớm hơn Tết Nguyên đán của người Kinh: "Khi mùa gặt xong xuôi, khoảng 22/12 Âm lịch bắt đầu ăn Tết. Truyền thống của dân tộc Pà Thẻn là đến Tết phải mời gọi tổ tiên về ăn Tết cùng. Ngày đầu ăn Tết sẽ làm 3-4 mâm cơm, thắp hương lên tổ tiên.
Các hộ dân trong thôn, xã sẽ lần lượt đi ăn cỗ tại các gia đình trong thôn cho đến hết ngày 29 tháng Chạp. Ngày 30 Tháng Chạp sẽ dọn dẹp trong gia đình và làm lễ cúng tạ ơn và mời tổ tiên về nhà ăn Tết. Lễ vật của lễ cúng ngoài thịt lợn, gà, rượu... còn có các đồ vật truyền thống, như giầy bản, vàng, bạc và những bộ quần áo mới được treo lên để báo cáo tổ tiên trong năm qua đã làm được những gì, mua sắm được gì mới cho bản thân và gia đình.
Thầy cúng Sìn Văn Phong cho biết: Truyền thống của dân tộc Pà Thẻn là đến Tết phải mời gọi tổ tiên về ăn Tết cùng. Những nhà không có ai làm Thầy cúng thì sẽ không làm lễ cúng ngày 30 Tết mà sẽ đợi thầy cúng sắp xếp được thời gian mới tổ chức lễ cúng.
"Ngày 30 Tết, gia đình sẽ chuẩn bị 1 con gà, 10 cái chén, 1 chai rượu, hương, giấy bản, vàng, bạc để tạ ơn cho Thần. Lúc đó ông Thầy sẽ cúng cho gia chủ, có khi đến 1-2 sáng mới xong. Ngày 30 Tết, nhà Thầy sẽ đuổi hết ma quỷ đi thì sẽ đóng cửa để không cho ma, quỷ vào nhà gây hại." Cả năm đã nhờ các thần phù hộ, che chở... Nay 30 Tết rồi, gia đình làm lễ cúng tạ ơn các thần. 30 Tết tạ ơn rồi, các Thầy cúng lại cầu xin 1 năm mới mạnh khỏe, không ai bị ốm; nếu có hạn gì thì Thầy cúng sẽ xin, giải hạn."
Vào đêm 30 Tết, tất cả bản dân tộc Pà Thẻn, gia đình nào cũng cửa đóng, then cài. Tất cả các cửa trong ngôi nhà đều được bà con bịt kín. Khi đó, chủ nhà sẽ lấy bát nước trên bàn thờ xuống lau chùi, cọ rửa và thay nước mới và cứ sáu tháng một lần mới được đổ thêm nước.
Đây là phong tục độc đáo của người Pà Thẻn khi họ thờ bát nước lã quanh năm trên bàn thờ tổ tiên của gia đình và được đậy lại bằng một chiếc đĩa. Bát nước đó tượng trưng cho biển, bát nước chứa đựng hồn tổ tiên và các thành viên trong gia đình. Bát nước này không bao giờ được cạn vì nếu để cạn thì gia đình sẽ có người ốm đau, bệnh tật hoặc gặp điều không may. Cùng trong đêm 30 Tết, các thành viên trong gia đình lại cùng nhau ăn bữa ăn đặc biệt.
Chị Phù Thị Thiên cho biết thêm: "Đêm ngày 30, đồng bào Pà Thẻn sẽ ăn một bữa. Như họ Phù của tôi sẽ ăn cháo. Đêm hôm đó đàn ông sẽ chuẩn bị để nấu cháo, sáng hôm sau sẽ ăn nhưng không được cho ai thấy. Đối với họ Sìn lại ăn cơm tẻ...Từng dòng họ khác nhau sẽ ăn các loại thức ăn khác nhau".
Ngày mùng 1 Tết, từ 4-6h sáng, các thành viên trong gia đình người Pà Thẻn dậy, ra ngoài sân vái lạy bốn phía để cầu thổ công, thổ địa, thần núi, thần sông phù hộ cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, gia đình khỏe mạnh, sau đó làm lễ cúng tổ tiên, rồi quét sạch nhà cửa để đón vận may vào nhà. Anh Phù Văn Xuế, thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, chia sẻ: "Người Pà Thẻn có 1 phong tục rất hay là sáng mùng 1 đi sẽ ra đồng. Ra đồng để cầu mong cho gia đình một năm mới tràn đầy sức khỏe, an lành; đặc biệt là cầu mong cho năm mới có những mùa vụ bội thu, sản vật thu hái được nhiều".
Cũng trong buổi sáng ngày mùng một Tết, đồng bào Pà Thẻn làm lễ xin nước ở nguồn nước để mong mong ma nguồn nước cho nước sạch, cho nước đều quanh năm cho bản và cho gia đình. Tiếp những ngày sau đó, đồng bào cùng đến nhà nhau chúc Tết, tham gia các trò chơi, như: đánh Yến; tổ chức các lễ hội ''kéo chày,'' lễ hội ''nhảy lửa''; thi gói bánh sừng trâu, bánh dài, bánh xường, bánh ốc...
Qua các hoạt động vui Xuân, đồng bào dân tộc Pà Thẻn luôn cầu mong các thần linh phù hộ mưa thuận gió hòa, cho dân bản được mùa, để cuộc sống luôn ấm no, mạnh khỏe.