Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam tăng 11 bậc

(VOV5) - Báo cáo cho biết đến cuối năm ngoái, có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025. 

Sáng nay (22/5), tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ về Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Báo cáo cho biết đến cuối năm ngoái, có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025. Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Khoảng cách giới giữa nam và nữ trong các lĩnh vực được thu hẹp. Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ tham gia ngày càng nhiều khi tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đầu tiên vượt trên 30% kể từ Quốc hội khóa VI. Cơ hội được tiếp cận dịch vụ y tế của phụ nữ, trẻ em gái, đồng bào dân tộc thiểu số được tốt hơn.

Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam tăng 11 bậc - ảnh 1Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VOV

Tuy nhiên, để đạt 100% chỉ tiêu so với mục tiêu đề ra vào năm 2025, chính phủ kiến nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới tại các bộ, ngành, địa phương.

Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ, ngành nâng cao chất lượng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, ban hành các biện pháp bình đẳng giới để xóa bỏ mọi phân biệt về giới, tiến tới bình đẳng giới thực chất, tiếp tục phân bổ nguồn lực để thực hiện có hiệu quả 7 chương trình, đề án về bình đẳng giới, chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện nghiêm các quy định về cung cấp số liệu thống kê có phân tách giới để làm cơ sở cho hoạch định và thực thi chính sách.

Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam tăng 11 bậc - ảnh 2Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra.
Ảnh: VOV

Báo cáo thẩm tra cũng kiến nghị tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, phù hợp với thực tiễn và xu thế hội nhập quốc tế của đất nước để bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ, nam giới và nhóm dễ bị tổn thương.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác