Việt Nam mít tinh kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới 23/3

(VOV5) -  Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang khẳng định Việt Nam áp dụng nhiều sáng kiến về ứng phó với biến đổi khí hậu như, xây dựng các công trình hạ tầng ven biển, xây dựng chương trình giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng...

Sáng 23/3, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, diễn ra lễ mít tinh quốc gia kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới với chủ đề “Khí hậu - Nhận thức để hành động”.

Việt Nam mít tinh kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới 23/3 - ảnh 1
Poster Ngày Khí tượng Thế giới 2015 với chủ đề "Nhận thức để hành động.

Phát biểu tại lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang khẳng định Việt Nam áp dụng nhiều sáng kiến về ứng phó với biến đổi khí hậu như, xây dựng các công trình hạ tầng ven biển, xây dựng chương trình giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng hay chiến dịch ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nêu rõ: “Chúng ta phải nỗ lực hơn nữa nhằm góp phần nâng cao nhận thức, hành động của mỗi người trong công cuộc phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó hiệu quả với các tác động của biến đổi khí hậu. Tôi đề nghị các cấp chính quyền địa phương trên cả nước cần quán triệt sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của công tác khí tượng thủy văn. Bảo vệ, gìn giữ và phát triển các công trình khí tượng thủy văn để phục vụ tốt cho công tác phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”. 

Dịp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh nghệ An phát động trồng cây và tổ chức hội thảo chuyên đề về dự báo khí tượng thủy văn, quản lý rủi ro thiên tai, Dự thảo Luật Khí tượng Thủy văn.

Việt Nam là một trong những quốc gia được dự báo là chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho thấy, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam tăng từ 2 đến 4 độC, mực nước biển có thể dâng từ 0,75 đến 1 mét. Nếu mực nước biển dâng 1 mét, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển bị ngập. Tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra có thể tới 10% GDP của cả nước./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác