Bác sỹ quân y Trần Đình Dũng - cứu người giữa trùng khơi

(VOV5) - Ở nơi thời tiết khắc nghiệt như đảo Thổ Chu, xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, cách đất liền gần 200 km, mỗi khi trái gió trở trời, ốm đau, tai nạn…người dân chỉ biết trông cậy vào các thầy thuốc của lực lượng hải quân đóng quân trên đảo. Nơi này có một bác sỹ quân y đã 3 năm liền gắn bó với quân và dân trên đảo, cứu chữa, giành giật sự sống cho người bệnh nơi biển đảo xa xôi. 

Bấm để nghe âm thanh:





Gặp thượng úy, bác sỹ Trần Đình Dũng, Chủ nhiệm quân y kiêm Bệnh xá trưởng của đảo Thổ Chu tại Bệnh xá của đảo vừa dễ mà cũng vừa khó… Dễ với những người dân trên đảo đang chờ tới lượt để khám bệnh và khó cho cánh nhà báo chúng tôi vì phải chờ đến cuối ngày anh mới rảnh. 5 giờ chiều, khi người dân cuối cùng rời Bệnh xá, anh tiếp chúng tôi… Không có dấu hiệu mệt mỏi sau cả ngày khám bệnh, khuôn mặt rám nắng và nụ cười thường trực trên môi là ấn tượng đầu tiên khi gặp anh. Bác sỹ Dũng cho biết anh có mặt ở đảo Thổ Chu từ tháng 10/2010, cũng chính là thời điểm Bệnh xá Quân dân y Thổ Chủ được thành lập. Trước đó, anh học Trung cấp Quân y I, thuộc Học Viện quân y, sau đó tiếp tục nâng cao trình độ với việc đi học chuyên tu tại Học viện quân y 103. Từ năm 2007, anh về công tác tại Bệnh viện 187 của Vùng 5 Hải quân và đến năm 2010 bắt đầu ra đảo. 


Bác sỹ quân y Trần Đình Dũng -  cứu người giữa trùng khơi  - ảnh 1
Bác sỹ Trần Đình Dũng

Ra đảo mới chỉ 1 ngày, bác sỹ Trần Đình Dũng đã phải đối mặt với một ca sản khoa cấp cứu. Đó là vào khoảng 10 giờ sáng, ngày 8/10/2010. Chị Đỗ Thị Diễm, mang thai tháng thứ 9, chuyển dạ sinh và được người nhà đưa vào Trạm y tế xã Thổ Châu. Sau hơn 10 tiếng, sản phụ không sinh thường được nên Trạm y tế xã chuyển chị cho Bệnh xá đảo Thổ Chu. Ngay lập tức, bác sĩ Trần Đình Dũng cùng các bác sỹ, y tá hội chẩn và quyết định mổ ngay để cứu mẹ và con. Sau hơn một tiếng, ca mổ thành công và họ đã cứu được cả mẹ và con. Đây là ca mổ sinh đầu tiên trên đảo Thổ Chu do các bác sĩ quân y Vùng 5 Hải quân thực hiện.

Bác sỹ Trần Đình Dũng nhớ lại: “Thực ra lúc đầu học, tôi chỉ được học sản khoa 2 tháng. Lúc đó trời lại bão, tàu không có để đưa bệnh nhân vào đất liền. Chúng tôi hội chẩn và quyết định phải mổ cho bệnh nhân. Trang thiết bị của bệnh xá lúc đó còn thiếu và chưa có thiết bị sản khoa. Có một điều là anh em bác sỹ, y tá còn chưa kịp quen nhau, chưa hiểu nhau trong công việc. Tôi đi học chủ yếu về ruột thừa và mổ ruột thừa, vì ở đảo hay gặp bệnh này, chứ không nghĩ ra đảo lại mổ sản. Ca đầu tiên thực sự là khó và phức tạp nhưng với quyết tâm của anh em ở bệnh xá và một y sỹ bên Trạm y tế xã, chúng tôi đã mổ thành công. Hiện tại mẹ con chị Diễm đang sinh sống trên đảo.”

Bác sỹ quân y Trần Đình Dũng -  cứu người giữa trùng khơi  - ảnh 2
Bác sỹ Dũng và cháu MInh, con chị Diễm


Cách đây vài tháng, bác sỹ Dũng cũng đã cứu sống chiến sỹ Biên phòng Lê Văn Hồng khi chiến sỹ này bị viêm ruột thừa. Đặc biệt là ca mổ diễn ra thành công dưới ánh sáng của những chiếc đèn pin. Bác sỹ Trần Đình Dũng kể lại, lúc vào Bệnh xá, Hồng được chẩn đoán là rối loạn tiêu hóa nhưng khi khám đã phát hiện Hồng bị viêm ruột thừa rất nặng và cần mổ gấp. Lúc đó bác sỹ của Trạm y tế xã Thổ Châu và của Bệnh xá đã đi công tác, chỉ còn lại mình bác sỹ Dũng với một y tá. Bác sỹ Dũng đành nhờ một Y sỹ của Đồn biên phòng tới giúp để tiến hành mổ… Bác sỹ Dũng kể: “Lúc đó tôi tiên lượng bệnh tình của bệnh nhân là rất xấu, không mổ thì bệnh nhân sẽ chết, vì sau này mổ tôi biết bệnh nhân này bị viêm ruột thừa thể quặt ngược, rất nguy hiểm. Trong khi đó đèn không có, đành phải mượn đèn của bộ đội để mổ. Lúc đó có mình tôi mổ và hai người vừa soi đèn vừa giúp tôi mổ… Tôi cứ hô hướng nào thì hai người sẽ chiếu đèn để tôi tìm chỗ ruột viêm vì thể bệnh này rất khó… Sau gần 2 tiếng thì ca mổ thành công. Đến nay thì bệnh nhân này đã khỏe mạnh và đã có thể chơi thể thao trở lại.”


Sau một thời gian ở đảo,
bác sỹ Dũng biết điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế ở Bệnh xá còn n
hiều khó khăn, thiếu thốn, nên đã cùng đồng đội xây dựng vườn thuốc nam, để giúp cán bộ, chiến sỹ và người dân có thuốc chữa những bệnh thông thường hay gặp như cảm sốt, rắn cắn... Ngoài ra, anh còn cải tiến, sáng chế những thiết y tế bị để khắc phục những khó khăn trong lúc cứu chữa cho người bệnh.  “Mới đây có 1 bệnh nhân bị trụy mạch, mạch về 0 và huyết áp không đo được. Chúng tôi đã điện báo cáo ra bệnh viện vùng và biết là phải đặt xông vào hậu môn nhưng trạm không có. Ở đất liền có thể mua được ở các cửa hàng bán thuốc còn ở đây không có chúng tôi phải tự chế bằng ống cao su và hấp, tẩy trùng bằng cồn. Sau đó tôi đặt qua hậu môn, giảm áp lực bụng để bệnh nhân đỡ đau và giúp bệnh nhân qua khỏi. Còn nhiều thiết bị chúng tôi phải nghĩ ra nếu không phải chứng kiến bệnh nhân nằm đó đến chết” - bác sỹ Dũng chia sẻ.

Bác sỹ quân y Trần Đình Dũng -  cứu người giữa trùng khơi  - ảnh 3
Bác sỹ Trần Đình Dũng bên vườn thuốc nam


3 năm công tác tại đảo, bác sỹ Dũng nhận được sự tin yêu, mến phục của quân và dân trên đảo. Không chiều nào là anh không có khách là những người dân sống quanh đảo qua chơi, hỏi thăm hay biếu nhưng con cá, con mực vừa đánh bắt ở biển về. Chiều nay cũng vậy, gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Hiệp, ngụ ấp Bãi Ngự, xã Thổ Châu, qua thăm Bác sỹ sau chuyến đi biển đồng thời để đứa con trai của mình là Trần Vũ Minh gặp “bố nuôi Dũng”. Chị Hiệp cho biết khi sinh cháu Minh, cháu bị bị dây rốn quấn cổ 3,5 vòng, nếu không có Bác sỹ Dũng thì không biết sẽ như thế nào. Chị Hiệp chia sẻ:“Lúc đó đẻ khó quá, gia đình em quyết định mổ. Lúc đó Bác sỹ cũng không dám mổ cho em nhưng thực sự tin tưởng bác sỹ Dũng nên gia đình mới thuyết phục để bác sỹ Dũng mổ cho em. Sau sinh em ở lại Bệnh xá khoảng 20 ngày và cho dù em sốt lúc nửa đêm, bác sỹ và các y tá luôn tiêm và chăm sóc em. Người dân quanh đảo biết ơn và cảm ơn bác sỹ Dũng rất nhiều vì đã vượt qua sự thiếu thốn để chăm sóc sức khỏe cho người dân”.


Tình cảm của người dân dành cho Bác sỹ Dũng nhiều đến vậy bởi lâu nay, anh vẫn
coi cứu chữa, giành giật sự sống cho người bệnh nơi biển đảo xa xôi là “nhiệm vụ chiến đấu” của mình và đồng đội nơi đây. Nhìn ánh mắt trìu mến, biết ơn của những người dân được cứu chữa khỏi bệnh, anh chỉ giản dị nói rằng, anh vui và luôn gắng giúp đỡ bà con nhiều hơn nữa./. 





Phản hồi

Các tin/bài khác