Chung tay đẩy lùi HIV/AIDS

(VOV5) - Năm nay, Việt Nam tiếp tục hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS 1.12 với chủ đề: “ Hướng tới mục tiêu 90-90-90 nhằm kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”. Đây là chủ đề  được các tỉnh, thành trong cả nước thống nhất thực hiện  từ năm 2014. Kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng cần chung sức của toàn xã hội.


Nghe âm thanh bài viết tại đây:

                             

Mục tiêu 90 - 90 - 90 của Liên hợp quốc có nghĩa là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV), 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, các địa phương, tổ chức, đơn vị vẫn tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp, trong đó tăng cường giám sát những những khu vực, những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao. Đối với những thành phố đông dân, người nhập cư nhiều, việc quản lý khó khăn, thì nguy cơ gia tăng các tệ nạn xã hội là không tránh khỏi. Theo thống kê của các cơ quan chức năng: tiêm chích ma túy liên quan tới 60% số người nhiễm HIV ở Việt Nam. Để giải quyết tình trạng này, thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng khá nhiều mô hình cai nghiện hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, đại biểu Quốc hội TPHCM cho biết:: TP áp dụng đa dạng các biện pháp, có thể tổ chức cai nghiện tư nhân, cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại các trung tâm. Các tổ chức mặt trận, đoàn thể chính trị xã hội, tổ chức quần chúng tiếp cận giúp người nghiện cai nghiện, sử dụng methanol. Đòi hỏi phải có gia đình, bạn bè động viên và các tổ chức đoàn thể hỗ trợ.

 

 Chung tay đẩy lùi HIV/AIDS - ảnh 1
Đại biểu quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm


Kinh nghiệm mà các tổ chức đoàn thể, trong đó có Hội phụ nữ rút ra khi phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện các dự án phòng chống HIV/AIDS đó là coi trọng chuyển đổi hành vi, quan tâm hộ gia đình ở từng cộng đồng. Xuất phát bởi phụ nữ là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và cũng dễ lây nhiễm HIV/AIDS, trong những năm qua, Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS  đã hỗ trợ cho Hội phụ nữ, là một thành viên của Ủy ban quốc gia phòng chống HIV/AIDS và ma túy, mại dâm kinh phí về biên soạn tài liệu, hỗ trợ điều trị thuốc ARV tại nhà, xây dựng các câu lạc bộ đồng cảm.  Về phía Hội phụ nữ cũng đã đưa ra khá nhiều biện pháp mà bà Trần Thanh Bình, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chia sẻ:Lồng ghép với phong trào của Hội, đột phá trong phương thức, gắn kết thành chuỗi từ tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức đến tư vấn hỗ trợ chuyển đổi hành vi. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, gắn kết với dự án quốc tế…Hội phụ nữ  tuyên truyền vận động tư vấn hỗ trợ đối với các đối tượng có nhiều nguy cơ tiềm ẩn.


 Chung tay đẩy lùi HIV/AIDS - ảnh 2


Cùng với giải pháp của các tổ chức đoàn thể, mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép TPHCM và các tỉnh, thành có điều kiện được thành lập trung tâm hỗ trợ xã hội để tiếp nhận người nghiện không có nơi cư trú ổn định trong quá trình chờ đợi làm thủ tục cai nghiện bắt buộc. Đây chính là cơ sở để các địa phương có thể quản lý tốt nhất người nghiện, tránh nguy cơ làm gia tăng lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định, đưa người nghiện vào trung tâm vẫn phải từ việc tuyên truyền:
Công tác tuyên truyền từ trước tới nay vẫn tuyên truyền về tác hại ma túy, vận động người nghiện cai nghiện, giới thiệu việc làm. Tổ chức đoàn thể gần gũi giúp người nghiện hòa nhập với cộng đồng. Nhiều thông tin trên thông tin đại chúng, tuyên truyền miệng trong cộng đồng dân cư. Cần tập trung nhiều hơn xử lý những đối tượng buôn bán ma túy.

Chặng đường phía trước vẫn còn dài để Việt Nam thực hiện cam kết của mình cùng cộng đồng quốc tế đẩy lùi dịch AIDS vào năm 2030. Nỗ lực phụ thuộc vào nhận thức và hành động chung của mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Phản hồi

Các tin/bài khác