Đêm ý tưởng 2018: Khi tưởng tượng lên ngôi

(VOV5) -Đêm Ý tưởng lần thứ hai được tổ chức tại Việt Nam với chủ đề Khi tưởng tượng lên ngôi: vị trí của hoạt động sáng tạo trong xã hội

Đêm ý tưởng do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Laurent Fabius khai mạc lần đầu tiên vào năm 2015 và sẽ được tổ chức lần thứ 3 vào ngày 25 tháng 1 năm 2018 trên toàn thế giới.

Chủ đề năm nay do Viện Pháp tại Paris lựa chọn Khi tưởng tượng lên ngôi sẽ là dịp cùng lắng nghe và bàn luận với các các diễn giả là những nhà tri thức, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ… đến từ khắp năm châu: từ Dakar đến Los Angeles qua Brussels, Buenos Aires, Marseille, Paris ... và dĩ nhiên từ cả Hà Nội.

Tại Hà Nội, chương trình có sự tham gia của Giáo sư Alain Patrick Olivier, bộ môn triết học, Đại học Nantes ; Giáo sư Arnaud Mercier, bộ môn truyền thông chính trị, Trường Đại học Paris 2 ; tác giả Đặng Hoàng Giang ; nghệ sĩ thị giác Phạm Diệu Hương, dưới sự dẫn dắt của ông Étienne Rolland-Piègue, Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.

Chương trình diễn ra vào 17h thứ Năm ngày 25/01/2018 lúc 17h, tại Trung tâm Văn hóa Pháp.

Các chương trình được đăng tải trên trang web: https://www.lanuitdesidees.com

Tưởng tượng ư ? Đó phải chăng là sự thụt lùi trong phi lý ? trong sự vô tổ chức ? là việc thiếu vắng một quan niệm rõ ràng và cụ thể về cái có thực? Hay đó là sự tràn đến của dòng thác ý tưởng mới, một nguyên tắc sáng tạo và sống còn đối với xã hội mà chúng ta không được từ bỏ ? Đây chính là vấn đề mà tự cổ chí kim vẫn không ngừng trở lại, tự vấn về vị trí của tưởng tượng trong toàn xã hội.

Quả vậy, vào cuối những năm 60, Guy Debord viết một tiểu luận phê bình về xã hội diễn cảnh (tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt), tác phẩm miêu tả và làm rõ một tình trạng nào đó của các xã hội hiện đại, bị giày vò bởi những logic của công nghiệp văn hóa và những hình thái tha hóa đi kèm. Sự tôn thờ cái đẹp dường như chưa bao giờ lại ngấm sâu vào cuộc sống của chúng ta như ở thời đại kỹ thuật số, đến tận những nơi sâu kín nhất, và kiểm nghiệm lại một cách thái quá nguyên tắc xã hội diễn cảnh mà Debord từng đề cập.

Điều này cũng liên quan đến tổng thể các hoạt động, thậm chí cả quan niệm về chủ nghĩa tư bản sau 1945 như miêu tả trong xã hội học : một hình thức mỹ học hóa thế giới, vốn là vấn đề gây tranh cãi. Dĩ nhiên chuyện đó bao hàm cả suy nghĩ về vị trí của các sản phẩm nghệ thuật và các hoạt động văn hóa trong xã hội chúng ta, nhưng tổng quát hơn là một kiểu quan niệm thẩm mỹ về sự tồn tại của các cá nhân và tập thể.

Bởi lẽ rốt cuộc đó chính là một mẫu hình con người, mẫu hình con người mà chúng ta mong muốn vun trồng, đào tạo và thấy trưởng thành, đồng thời là cơ sở cho các biểu tượng xã hội và vị trí của tưởng tượng mà chúng ta muốn đưa vào trong khái niệm về việc con người đó là gì và con người đó làm gì.

Giáo sư Alain Patrick Olivier cho rằng: "Giáo dục đóng vai trò then chốt trong các nền chính trị và kinh tế của tất cả các nước trên thế giới : nhưng tưởng tượng phải đóng vai trò như thế nào trong giáo dục ? Cần phải dành vị trí nào cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật? Cho sự phát triển khả năng sáng tạo ? thậm chí cho nguyên tắc khoái cảm? Ngược lại, liệu có phải tư duy giáo dục dựa trên một mô hình hoàn toàn khoa học và hợp lý, chi phối tính hợp lý của nhà trường, mối lo lắng của phụ huynh, hiệu quả trong quản lý, để đem lại nhiều cơ hội hơn cho mỗi cá nhân trong việc thích nghi với một thế giới cạnh tranh và với những đòi hỏi cấp bách của xã hội, đi theo nguyên tắc thực tại thuần túy?"

Còn theo diễn giả Đặng Hoàng Giang: "Empathic imagination", tạm dịch ra tiếng Việt là tưởng tượng thấu cảm, là nền tảng để xây dựng một gia đình, cộng đồng và xã hội hoà bình và nhân văn. Tưởng tượng thấu cảm là khả năng hình dung ra được cảm xúc, suy nghĩ của người khác, đi vào nội tâm của họ, nhìn cuộc đời bằng con mắt của họ, qua đó hiểu được động cơ hành xử của họ. Tưởng tượng thấu cảm là nền tảng để lòng trắc ẩn nẩy nở.

Khi khả năng tưởng tượng thấu cảm thui chột hay bị bóp chết, người ta không có khả năng hình dung ra được quang cảnh nội tâm của người khác mình về chính kiến, tôn giáo, mầu da, văn hoá, và qua đó dễ dàng hơn để làm những điều tàn bạo với họ. Bởi khi đó, họ không hiện ra như những con người có cảm xúc, biết đau, mà chỉ là những động vật cấp thấp, những sinh vật độc hại cần phải bị tiêu diệt.

Một thế giới thiếu vắng tưởng tượng thấu cảm là một thế giới lạnh lẽo."

Một buổi thảo luận dành cho công chúng với sự tham gia của những nhà trí thức Pháp và Việt Nam trong nhiều lĩnh vực (nhà nghiên cứu, giáo sư đại học, tác giả, nghệ sĩ, nhà báo…) sẽ tập trung làm nổi bật vị trí của tưởng tượng trong toàn xã hội.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác