Du lịch Việt Nam 2014 : Hoạt động quảng bá được triển khai mạnh mẽ

(VOV5) - Thành công của năm 2014 là cơ sở để ngành du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu trong năm 2015 sẽ đón từ 8,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế; phục vụ 41 triệu lượt khách nội địa.


Năm qua, mặc dù phải đối diện với những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới cũng như trong nước, đặc biệt là tác động của việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt nam, gây giảm sút về lượng khách quốc tế. Tuy nhiên, nhờ tăng cường các giải pháp cấp bách, mở rộng thị trường du lịch trọng điểm, kích cầu du lịch nội địa, ngành du lịch Việt nam vẫn giữ được  tốc độ phát triển ổn định và được coi là năm thành công của các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.


Du lịch Việt Nam 2014 : Hoạt động quảng bá được triển khai mạnh mẽ - ảnh 1
(Ảnh minh họa: baodulich.net.vn)



Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Kết thúc năm, ngành Du lịch đã đón và phục vụ gần 8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 4,0 % và 38,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 10 %. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 230 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2013. Thành công ấn tượng nhất trong năm qua là hình ảnh du lịch quốc gia ngày càng được bạn bè thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Nhiều điểm du lịch được các tổ chức uy tín quốc tế bình chọn là địa chỉ yêu thích của du khách.


Điển hình như Vịnh Hạ Long được trang web BuzzFeed của Mỹ bình chọn là 1 trong 25 địa danh có vẻ đẹp khó tin nhất trên thế giới; Hà Nội được TripAdvisor bình chọn là 1 trong 10 thành phố thu hút khách du lịch hàng đầu trên thế giới; Việt Nam được Tạp chí du lịch Travel & Leisure của Mỹ bình chọn đứng thứ 6 trong số 20 điểm đến tốt nhất dựa trên độ an toàn và thân thiện của người dân dành cho khách du lịch lẻ; Hang Sơn Đoòng được Tạp chí du lịch Business Insider của Mỹ bình chọn là 1 trong 12 hang động ấn tượng nhất thế giới và Tạp chí National Geographic phiên bản tiếng Nga bình chọn là tour du lịch mạo hiểm đẳng cấp nhất thế giới của năm; Tuyến du lịch trên sông Mê Kông (đoạn Việt Nam-Campuchia) được báo Telegraph (Anh) xếp thứ 4/5 tuyến du lịch trên sông hàng đầu châu Á.... Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn của Việt Nam cũng đã được các tổ chức, website tiêu dùng vinh danh do chất lượng dịch vụ xuất sắc của mình…


Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục Trưởng, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết: “Năm 2014, ngành du lịch Việt Nam vẫn duy trì được các tiêu chí tăng trưởng liên tục từ năm 2009 đến  nay và luôn tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Đây là điều đáng phấn khởi, thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành, đặc biệt là cộng đồng các doanh nghiệp đã cố gắng vượt qua các thách thức để khẳng định vị thế và sự đóng góp hiệu quả của ngành Du lịch cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Một định hướng quan trọng trong phát triển du lịch của Việt Nam thời gian qua là công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được chú trọng triển khai theo hướng chuyên nghiệp hơn, chất lượng hiệu quả hơn. Trong năm, việc xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam gắn với logo & Slogan “Việt Nam – vẻ đẹp bất tận” được coi là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Ngành Du lịch đã trực tiếp tham gia các Hội chợ Du lịch quốc tế và cùng phối hợp thực hiện nhiệm vụ quảng bá, xúc tiến du lịch trong các sự kiện văn hóa, ngoại giao ở một số nước châu Âu, châu Á như: Anh, Đức, Nga, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Maylaixia… Trong nước, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được tổ chức thông qua việc đón các đoàn khảo sát quốc tế. Việc tham gia tổ chức các hội chợ, sự kiện du lịch đã góp phần thu hút khách quốc tế. Thông qua các hoạt động xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm, ngành du lịch có điều kiện nâng cao trách nhiệm trong việc, cam kết mang đến cho du khách những sản phẩm ngày càng chất lượng và phát triển du lịch một cách bền vững hơn. Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao du lịch tỉnh Quảng Ninh cho rằng: “Muốn phát triển du lịch bền vững cần dựa trên 3 trụ cột : kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường. Việc lựa chọn những nhà tư vấn quốc tế uy tín cùng địa phương tham gia vào công tác quy hoạch, phát triển du lịch là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cần chú trọng làm tốt công tác quản lý môi trường du lịch, giá cả phục vụ, an ninh trật tự ở các điểm du lịch”.

Thành công của năm 2014 là cơ sở để ngành du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu trong năm 2015 sẽ đón từ 8,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế; phục vụ 41 triệu lượt khách nội địa. Để đạt được mục tiêu này, ngành Du lịch đặt ra nhiệm vụ trọng tâm. Đó là hình thành các khu du lịch quốc gia trọng điểm nhằm tạo động lực phát triển du lịch; Phát triển hệ thống du lịch chất lượng, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, có giá trị tăng cao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế. Ngành du lịch cũng sẽ tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên du lịch Việt Nam”; đẩy mạnh xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp, lấy sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch là trọng tâm, gắn với quảng bá hình ảnh quốc gia./.

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác