Xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam

(VOV5)-  Trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, Chính phủ Việt Nam hết sức coi trọng phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong tiến trình đó, xây dựng xã hội học tập vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phát triển một hệ thống giáo dục mở, lấy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập là một trong những đặc trưng và mục tiêu cơ bản.

Xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam - ảnh 1
Tạo điều kiện thuận lợi để mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học liên tục suốt đời - Ảnh: internet

Đề án xây dựng xã hội học tập đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2005, trong đó nêu rõ xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập với tiêu chí cơ bản là tạo điều kiện thuận lợi để mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học liên tục học suốt đời ở mọi nơi, mọi lúc, mọi cấp, mọi trình độ. Cùng với đó, huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia xây dựng và phát triển giáo dục. Mọi người, mọi tổ chức đều có trách nhiệm nghĩa vụ trong học tập và tham gia tích cực xây dựng xã hội học tập. Ông Nguyễn Công Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, cho biết: Mục tiêu của Việt Nam đặt ra đến năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp. Như vậy chúng ta phải có một lực lượng lao động có trình độ cao đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa để thực hiện được chiến lược này chúng ta phải tạo được những con người có trình độ để làm việc trong môi trường tiên tiến. Do vậy, việc học tập suốt đời rất quan trọng để mỗi người cập nhật kiến thức đáp ứng được yêu cầu của xã hội hiện đại.

Để xây dựng xã hội học tập cần huy động mọi tiền năng, trí tuệ, tài lực, vật lực trong toàn xã hội, nhằm tạo ra nguồn lực đa dạng để vừa phát triển giáo dục đào tạo trong các nhà trường, vừa tạo điều kiện hỗ trợ cho nhiều hình thức giáo dục mới đa dạng bên ngoài nhà trường. Ngành Giáo dục Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành như Hội Khuyến học Việt Nam (KHVN), Hội Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), bộ đội Biên phòng… xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng xóa mù chữ và chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, phổ cập giáo dục tiểu học cho hội viên nhằm nâng cao tiêu chuẩn hóa và cán bộ hội các cấp; nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức khoa học đời sống kỹ thuật nông nghiệp trong nông dân.

Những năm qua, thông qua xây dựng xã hội học tập, mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên ở hầu hết các tỉnh thành phố đã được xây dựng, củng cố và phát triển cả về quy mô, số lượng, mở rộng về địa bàn, đa dạng về hình thức hoạt động tạo cơ hội và điều kiện cho người dân được học tập thường xuyên liên túc, suốt đời ở mọi lứa tuổi. Đến nay cả nước đã có 47 Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) cấp tỉnh, hơn 600 TTGDTX cấp huyện, gần 5000 trung tâm học tập cộng đồng. Mạng lưới các cơ sở tin học ngoại ngữ phát triển mạnh cả về quy mô và  loại hình hình với gần 2000 cơ sở ngoại ngữ, tin học góp phần tạo điều kiện và cơ hội  mọi người dân được học tập và nâng cao trinh độ về mọi mặt; học theo nhu cầu cần gì học đấy. Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Cà Mau, cho biết: Trung tâm chúng tôi có khoảng 1300 học viên, có đến 30% là cán bộ công chức thành phố theo học, còn lại đến 70% là thanh niên trong độ tuổi lao động. Hằng năm, chúng tôi nâng cao được trình độ cán bộ công viên chức và nhân viên trong độ tuổi lao động của thành phố là rất lớn, đáp ứng được yêu cầu thành phố chúng tôi đang trên đà phát triển.

Ở các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Bắc, sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã, phường, thị trấn các TTGDTX đã làm tốt chức năng bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho nhiều cán bộ huyện, xã, các địa phương, tạo ra diện mạo mới của người dân tại các cộng đồng dân cư. Ông Lê Ngọc Tình, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Gia Lai, khẳng định: Có thể nói rằng nhờ có TTGDTX này mà đồng bào dân tộc có điều kiện được đi học và tạo cơ hội đểcác em học tập. Qua cái kết quả đó, qua hoạt động đó các em phát triển rất tốt, đặc biệt ở địa phương từ tỉnh ủy đến sở giáo dục đào tạo luôn tạo điều kiện cho chúng tôi làm việc và tạo cơ sở vật chất tốt nhất để Trung tâm đào tạo các em trở thành những cán bộ nòng cốt của địa phương, đặc biệt là các em học sinh dân tộc tại chỗ.

Với phương châm củng cố vững chắc kết quả trong giáo dục, đào tạo, việc xây dựng Xã hội học tập ở Việt Nam đã mang đến cho người dân nhiều cơ hội được học tập trong cả giáo dục chính quy và phi chính quy. Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục khẳng định giáo duc đào tạo tiếp tục là khâu đột phá chiến lược xây dựng Xã hội học tập là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị trong đó ngành Giáo dục giữ vai trò nòng cốt để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước./.

Phản hồi

Các tin/bài khác