(VOV5) - Ông Nguyễn Văn Bảy luôn say mê lao động trên mảnh vườn của gia đình với đủ loại cây ăn trái.
Là một nông dân giỏi, ông Nguyễn Văn Bảy tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre luôn tiên phong áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Ông làm chủ diện tích vườn lớn, trồng đa canh nhiều loại cây với mô hình sản xuất hữu cơ cho ra sản phẩm sạch.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ở ấp Hòa Lợi, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, ai cũng biết đến ông Nguyễn Văn Bảy (tức ông Bảy Đờn) bởi ông không chỉ là nông dân sản xuất giỏi mà còn có lối sống giản dị, gần gũi, luôn hết mình với công tác xã hội tại địa phương. Ở tuổi 62, ông Nguyễn Văn Bảy luôn say mê lao động trên mảnh vườn của gia đình với đủ loại cây ăn trái như: dừa, bưởi da xanh, quýt, cam, chanh. Từ một vài ha đất vườn của ông bà để lại, ông Bảy tích góp và sang nhượng thêm; đến nay đã có khoảng 5 ha vườn.
Trái bưởi da xanh hữu cơ của ông Bảy trồng được chứng nhận Ocop 4 sao có giá trị, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu - Ảnh: Nhật Trường/VOV |
Ông Bảy trồng đa canh cây ăn trái theo mô hình hữu cơ, Viet Gap, tiêu chuẩn xanh, sản xuất tuần hoàn. Hiện, khu vườn của ông trồng trên 1.000 cây dừa; 2.500 cây cam, quýt; 500 cây bưởi da xanh và rất nhiều cây cau đan xen nhau. Trong vườn có hệ thống mương trữ nước với hệ thống bơm nước tưới tự động; dưới mương nuôi các loại thủy sản như: cá tra, tai tượng, tôm càng xanh…Đặc biệt, nhiều năm qua, vườn cây của ông Nguyễn Văn Bảy đều áp dụng sản xuất sạch, không sử dụng thuốc hóa học.
Để thực hiện hiệu quả mô hình này, ông đã tiếp thu và áp dụng các kiến thức, kỹ thuật mà mình học được trong sản xuất. Nhờ vậy, vườn cây “đa canh” của ông Nguyễn Văn Bảy hạn chế được sâu bệnh, năng suất khá và tiết kiệm chi phí. Riêng bưởi da xanh trong vườn đạt chứng nhận OCOP 4 sao, có giá trị xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Bảy chia sẻ: “Hàng năm, tôi lấy rác thải mục, phụ phẩm từ cây dừa làm phân xanh, dùng nấm xanh, nấm tico... để cho phân hủy mau tạo thành phân xanh. Thứ hai, tôi nuôi cá lấy bùn, 2 năm bơm lên 1 lần để cải tạo nên đất lúc nào cũng có dinh dưỡng đầy đủ. Tôi còn nuôi kiến vàng để tránh được việc sử dụng thuốc hóa học, để không bị ảnh hưởng môi trường, môi sinh. Đất vườn không bị ô nhiễm kim loại nặng, cây của mình cho trái quanh năm”.
Quanh năm, khu vườn của ông Nguyễn Văn Bảy luôn tốt tươi, sai quả. Trung bình mỗi năm, ông thu hoạch được hơn 10 tấn bưởi; 1 tấn chanh; 5 tấn cam, quýt và hàng chục nghìn quả dừa. Các loại cây ăn quả trong vườn của ông có giá cả ổn định nên doanh thu hàng năm khoảng vài tỷ đồng. Ngoài ra, ông còn có nguồn thu nhập từ nuôi cá dưới mương.
Ông Nguyễn Văn Bảy bên ao cá - Ảnh: Nhật Trường/VOV |
Ông Nguyễn Văn Bảy cũng luôn tiên phong và thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống hạn mặn. Hàng năm, khu vực xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm bị xâm nhập mặn sâu nhưng vườn cây của ông không bị ảnh hưởng; mương vườn tích trữ hàng chục nghìn mét khối nước ngọt. Ông cũng tích cực thông tin về hạn mặn để bà con nông dân địa phương chủ động ứng phó: “Tôi làm đê bao khép kín nên vườn của tôi không bao giờ bị ngập mặn. hàng năm, tôi cũng gia cố đê bao; bỏ ra từ 10-15% thu nhập để tái sản xuất. Tôi kiểm soát độ mặn hàng ngày và đưa thông tin lên mạng xã hội Facebook, Zalo để bà con biết”.
Do có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nên ông Nguyễn Văn Bảy được bầu làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Hợp tác xã Bưởi da xanh huyện Giồng Trôm. Ngoài sản xuất kinh doanh bưởi da xanh, Hợp tác xã còn mở rộng kinh doanh các mặt hàng khác; qua đó, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động. 20 năm liền, ông Nguyễn Văn Bảy đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương” và là thành viên của Câu lạc bộ “Nông dân tỷ phú” của tỉnh Bến Tre. Ông Bùi Thành Hiếu, Chủ tịch UBND xã Lương Hòa cho biết: “Ông Nguyễn Văn Bảy được tập huấn, chuyển giao các kỹ thuật sản xuất và ông đã áp dụng đúng công nghệ trồng cây sạch theo chuẩn. Ở địa phương, không có nhiều người có diện tích vườn lớn như của ông Bảy. Ông là một nông dân tỷ phú”.
Ông Nguyễn Văn Bảy luôn quan niệm là nông dân phải tích cực lao động sản xuất nhưng không chạy theo phong trào, không đặt lợi nhuận trên hết mà phải vì sức khỏe cộng đồng, sản phẩm làm ra phải an toàn thì mới bền vững.