(VOV5) - Xã có 2 làng nghề truyền thống gốm sứ nổi tiếng là Bát Tràng và Giang Cao với khoảng 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ.
Nằm ở tả ngạn sông Hồng, xã Bát Tràng được biết tới bởi bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa làng nghề đặc sắc, những lợi thế tốt để phát triển du lịch làng nghề. Mới đây xã Bát Tràng được công nhận là điểm du lịch của thành phố Hà Nội.
Chợ gốm Bát Tràng, nơi du khách có thể tim được nhiều món đồ gốm đặc sắc - Ảnh: Ngọc Anh/VOV5
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội, xã Bát Tràng có 11 thôn với hơn 8.500 nhân khẩu. Bát Tràng được biết đến là vùng địa linh, có 9 di tích lịch sử, văn hóa có giá trị như chùa Tiêu Giao, đình Giang Cao, đình Bát Tràng, đền Mẫu, chùa Kim Trúc, Văn chỉ Bát Tràng… Ngày 20/2/1959, Bát Tràng vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, Người căn dặn: “Làng Bát Tràng phải làm sao phấn đấu trở thành một làng kiểu mẫu ở nước Việt Nam mới - nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa”. Nhớ lời căn dặn của Người, 60 năm qua lớp lớp cán bộ và nhân dân Bát Tràng nỗ lực phấn đấu đưa Bát Tràng hôm nay trở thành làng nghề truyền thống, làng du lịch. Hai trục đường chính của làng được đặt tên là Đường 20/2 (ngày đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm) và Đường 19/5 (ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh). Nhân dân cũng lập bàn thờ tại nơi Người đứng nói chuyện với dân làng. Bát Tràng cũng là nơi nhạc sĩ Nam Cao lần đầu tiên in bài hát Tiến quân ca tức Quốc ca Việt Nam.
Đình Giang Cao - Ảnh: Ngọc Anh/VOV5
|
Bà Vũ Thị Hải Yến, Trưởng phòng văn hóa, thông tin huyện Gia Lâm, cho biết: “Tinh hoa ở đây nằm ở cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Bát Tràng. Giá trị văn hóa vật thể gồm có làng cổ, các nhà cổ, di tích lịch sử văn hóa và các sản phẩm gốm của các nghệ nhân. Chúng tôi đã làm hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền công nhận nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Di sản phi vật thể nữa chính là lễ hội Bát Tràng, ẩm thực người Bát Tràng, các nghệ nhân Bát Tràng. Bát Tràng thực sự là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế”.
Xã có 2 làng nghề truyền thống gốm sứ nổi tiếng là Bát Tràng và Giang Cao với khoảng 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ. Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng đã được xuất khẩu tới các thị trường lớn trên thế giới như: Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Italy… Bát Tràng có 120 nghệ nhân, là xã có số nghệ nhân đông nhất cả nước.
Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng - Ảnh: Ngọc Anh/VOV5
|
Nhân dịp đón nhận danh hiệu điểm du lịch cấp thành phố Hà Nội, xã Bát Tràng, đã khai trương tổ hợp văn hóa, du lịch, thương mại “Bát Tràng, Chợ Chiều - Điểm đến ngàn năm”; khai trương khai trương các cơ sở mua sắm, cơ sở ăn uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; khai trương không gian gốm của nghệ nhân Ưu tú Tô Thanh Sơn; khai trương không gian nhà cổ Tràng An… Ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quan trị Công ty du lịch thông minh Bát Tràng, cho biết: “Bát Tràng có trang bị hệ thống thuyết minh tự động với 12 ngôn ngữ và tất cả các ngôn ngữ đó được viết dưới các câu chuyện của làng và sau đó dịch sang các ngôn ngữ nước ngoài. Khách đi thăm nơi đâu được tự động thuyết minh theo nhu cầu của du khách. Hệ thống này đã hoạt động rất hiệu quả ở Văn Miếu Quốc Tử Giám và Huế”.
Quang cảnh Lễ công bố điểm du lịch Bát Tràng - Ảnh: Ngọc Anh/VOV5
|
Thời gian qua, thành phố Hà Nội tạo nhiều điều kiện để Bát Tràng phát triển du lịch. Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch Hà Nội, cho biết: “Bát Tràng và Vạn Phúc là 2 điểm đến làng nghề được thành phố Hà Nội xác định đầu tư về lâu dài sẽ tập trung đầu tư thành điểm đến hoàn chỉnh. Sở Du lịch cũng đã từng mời kênh truyền hình CNN của Mỹ về Bát Tràng quảng bá du lịch. Nhiều năm nay, Sở Du lịch Hà Nội đưa nhiều đoàn doanh nghiệp đến Bát Tràng khảo sát, liên kết, hỗ trợ các nghệ nhân và bà con sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu du khách”.
Trong những năm gần đây, lượng khách đến Bát Tràng tham quan, mua bán ước khoảng 200.000 lượt/năm, trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 20%. Điểm du lịch Bát Tràng đi vào hoạt động là cơ hội để địa phương giới thiệu cũng như quảng bá những nét đẹp độc đáo của làng nghề, giúp bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, từng bước xây dựng Bát Tràng trở thành một trong những điểm du lịch làng nghề tiêu biểu của Hà Nội và cả nước.