Bạo lực học đường, chú ý phòng hơn là chống

(VOV5) - Đó là mong muốn các ý kiến tập trung vào vấn đề này của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ hội nghị trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bạo lực học đường, chú ý phòng hơn là chống - ảnh 1 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị về đảm bảo an ninh an toàn trường học phòng chống bạo lực học đường. - Ảnh: Thu Hằng

Sáng 17/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến về đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ mong muốn các ý kiến tập trung vào những giải pháp thiết thực để "phòng hơn là chống".

Bộ trưởng nêu vấn đề về trách nhiệm liên quan tới cả các cơ sở đào tạo giáo viên trong việc tập huấn, đào tạo cho giáo viên các kiến thức, kỹ năng về tâm lý giáo dục, nghiệp vụ sư phạm.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của lãnh đạo các nhà trường trong việc tìm ra các giải pháp để việc phòng chống bạo lực  được thực hiện nghiêm môi trường giáo dục. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, để phòng chống bạo lực học đường thì lấy việc giáo dục học sinh là chính.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục tham dự Hội nghị, từ kinh nghiệm thế giới, Việt Nam cần đưa ra một quy trình hành động phòng chống bạo lực học đường áp dụng một cách nhất quán và liên tục, kết hợp phòng ngừa và can thiệp, phối hợp các chương trình xã hội, nhà trường, nhóm nhỏ và cá nhân.

Phó Giáo sư- Tiến sỹ Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: "Những yếu tố làm tăng hiệu quả thì cần có phương pháp tiếp cận toàn diện nhất quán, có được sự tham gia của các bên. Kết hợp phòng ngừa và can thiệp và các chương trình phải đa dạng, từ các chương trình hòa giải rồi chương trình tạo ra bầu không khí hợp tác, các chương trình nâng cao lòng tự trọng cho học sinh và năn lực tư duy phản biện cho học sinh để nhìn thấy những sự việc đó thì phải đứng ra và phải báo cáo những sự việc ấy. Lãnh đạo nhà trường cần phải quyết tâm thực hiện sớm và thực hiện lâu dài các chính sách kỷ luật một cách nhất quán và rõ ràng."

Trao đổi tại hội nghị, ông Bùi Văn Linh, phó vụ trưởng Vụ công tác học sinh sinh viên Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ đã ban hành đến 25 văn bản về phòng chống bạo lực học đường. Trong các văn bản chỉ đạo đã đưa ra các giải pháp thiết thực, cụ thể.

Ví dụ như thiết lập đường dây nóng phát hiện xử lý nhanh các vụ việc xảy ra, rà soát, có giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ học sinh đặc biệt, ngăn ngừa từ xa tình trạng bắt nạt và bị bắt nạt, thực hiện cam kết giữa các gia đình với nhà trường trong việc phối hợp ngăn ngừa tình trạng bạo lực học đường.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác