Sắp xếp lại mạng lưới giáo dục đại học và đào tạo giáo viên

(VOV5) -Việc quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học là cần thiết để nhà nước có sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào những trường có chất lượng, những ngành nghề mà xã hội đang cần.

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm, do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức tại Hà Nội, vấn đề quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đào tạo đại học tiếp cận như cầu thị trường, được các đại biểu quan tâm, bàn thảo.

Nghe âm thanh tại đây:

Tính đến hết năm học 2016-2017, cả nước có 235 trường đại học, học viện, 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai trong năm học 2017-2018 là rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên, nhằm sắp xếp lại các cơ sở trong hệ thống cho phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của đất nước.

Sắp xếp lại mạng lưới giáo dục đại học và đào tạo giáo viên - ảnh 1Cần phải quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học  (ẢnhGDTĐ)

Việc quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là cơ sở đào tạo giáo viên là việc cần thiết để nhà nước có sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào những trường đại học có chất lượng, những ngành nghề mà xã hội đang cần. Ông Nguyễn Đức Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt, cho rằng đối với các cơ sở đào tạo sư phạm, việc quy hoạch, sắp xếp lại để tránh chồng chéo giữa các hệ đào tạo và chọn được những học sinh giỏi nhất vào học: "Mạng lưới về sư phạm, đây là đào tạo máy cái, cho nên chúng ta cũng cần cân nhắc một cách kỹ lưỡng và có trách nhiệm cho việc mở ra các trường đại học, các khoa sư phạm ở trong các trường.

Cũng cần phải nhấn mạnh là sư phạm nhưng có ưu tiên. Ví dụ như tại vùng Tây Nguyên thì phải ưu tiên chính con em của vùng Tây Nguyên vào học thì có ưu điểm những người học đó có thể biết tiếng dân tộc, sống với văn hóa rồi người ta giảng dạy thì tôi nghĩ là có chất lượng hơn.

Chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam chủ động khảo sát, nghiên cứu, nắm rõ cung-cầu của thị trường để cải thiện, nâng cao chất lượng, đưa ra định hướng phát triển phù hợp. Đặc biệt, với giáo dục đại học hiện đại phải tiếp cận theo hướng nhu cầu thị trường. 

Về vấn đề về tuyển sinh của các trường sư phạm, đã được Bộ nghiên cứu và tới đây sẽ đẩy mạnh việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên, trên cơ sở tôn trọng bản chất của các trường, nhưng phù hợp với yêu cầu nhân lực:"Chúng ta nhìn vào điểm đầu vào thì cũng có những ngành rất cao, có nhiều ngành điểm cũng tương đối. Nhưng quả thật có một số ngành thấp, đặc biệt là một số trường cao đẳng, hay một số cơ sở không chuyên về sư phạm nhưng có ngành, giáo dục nghề nghiệp thì quá thấp thật. Tới đây, quy hoạch các trường sư phạm theo hướng tập trung vào một số trường sư phạm lớn, còn các trường ở các địa phương là vệ tinh để chúng ta có một hệ thống gọn nhẹ, tập trung chất lượng và cũng phải dần dần có chính sách, ngay cả chính sách đầu ra nữa"

Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng chuẩn trường sư phạm, quy hoạch theo hướng tập trung vào các trường đại học sư phạm lớn, có thương hiệu, dần có chính sách để có đầu ra - đầu vào hợp lý… Năm học mới 2017-2018, các cơ sở giáo dục đại học bám sát khung 9 nhiệm vụ trọng tâm của ngành; tăng cường công tác dự báo nhu cầu nhân lực, phát triển ngành nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác