Bất ổn gia tăng tại Niger

(VOV5) -  Niger phải vật lộn với hai chiến dịch thánh chiến: một ở phía Tây Nam, tràn vào từ Mali hồi năm 2015, và chiến dịch còn lại ở phía Đông Nam, 

Tình hình chính trị tại Niger đang thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế sau khi Tổng thống Mohamed Bazoum bị quân đội phế truất và chính quyền quân sự, do phe đảo chính lập ra tiến hành nhiều vụ bắt bớ các thành viên thuộc Chính phủ hợp hiến. Động thái này đánh dấu sự leo thang căng thẳng của cuộc khủng hoảng chính trị mới nhất tại Niger, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Đồng thời, có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực của phương Tây trong việc giúp các quốc gia ở khu vực Sahel chống lại cuộc nổi dậy của các phần tử thánh chiến.

Niger nằm ở khu vực Tây Phi. Đất nước này đã trải qua 4 cuộc đảo chính kể từ khi giành độc lập năm 1960, trong đó, cuộc đảo chính gần nhất xảy ra hồi tháng 2/2010. Niger có khoảng 25 triệu dân; 2/3 diện tích là sa mạc và thường xuyên xếp cuối bảng Chỉ số Phát triển Con người của Liên hợp quốc, một tiêu chuẩn về sự thịnh vượng.

 Bất ổn gia tăng tại Niger - ảnh 1Những người biểu tình tụ tập ủng hộ cuộc đảo chính ở thủ đô Niamey, Niger vào ngày 30/7/2023. Ảnh: Balima Boureima/Reuters

Đất nước rơi vào hỗn loạn

Ông Mohamed Bazoum được bầu làm Tổng thống Niger vào năm 2021, lên nắm quyền vào thời điểm quốc gia này đang chìm trong nghèo đói. Thế nhưng, kể từ đó đến nay, tình trạng bất ổn vẫn luôn hiện diện với sự xuất hiện của những toán cướp có vũ trang hoặc các nhóm thánh chiến ở biên giới Niger.

Trong tuyên bố đưa ra sau khi phế truất Tổng thống (ngày 26/7), người phát ngôn của quân đội Niger, Đại tá Amadou Abdramane, cho rằng các lực lượng quốc phòng và an ninh quyết định “chấm dứt chế độ đã khiến tình hình an ninh xấu đi và quản lý yếu kém”. Người phát ngôn của quân đội Niger nói thêm rằng biên giới của đất nước đã bị đóng cửa và lệnh giới nghiêm toàn quốc đã được ban bố.

Đáng chú ý, 2 ngày sau khi phế truất Tổng thống (ngày 28/7), Tướng Abdourahamane Tchiani, người đứng đầu Lực lượng Bảo vệ Tổng thống từ năm 2011, tuyên bố là nhà lãnh đạo mới của quốc gia châu Phi đầy bất ổn này và cảnh báo rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của nước ngoài cũng sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn.

  Cùng với tuyên bố trên, chính quyền quân sự lên nắm quyền ở Niger cũng bắt giữ nhiều thành viên thuộc Chính phủ của Tổng thống hợp hiến vừa bị lật đổ Mohamed Bazoum.

Theo giới phân tích, tình hình ở Niger bất ổn phần nhiều do ảnh hưởng từ một số quốc gia láng giềng. Nhìn rộng ra bức tranh Tây Phi, kể từ năm 2020, đảo chính luôn xảy ra tại một số quốc gia thuộc khu vực này, trong đó có Mali, Guinea, Burkina Faso. Cuối năm ngoái, các nhà lãnh đạo Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã thống nhất thành lập lực lượng khu vực để can thiệp trong trường hợp xảy ra đảo chính và chống các phần tử thánh chiến.

 Bất ổn gia tăng tại Niger - ảnh 2Những người biểu tình ủng hộ đảo chính tụ tập bên ngoài đại sứ quán Pháp ở Niamey, Niger, ngày 30/7. Ảnh: Souleymane Ag Anara/Reuters

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Phản ứng trước tình hình tại Niger, giới lãnh đạo quân sự của Mali và Burkina Faso cảnh báo rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào chống lại Niger cũng sẽ dẫn đến một lời tuyên chiến chống lại Burkina Faso và Mali. Trái lại, Tuyên bố chung kết thúc cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp các nhà lãnh đạo Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) diễn ra tại thủ đô Abuja của Nigeria, ngày 30/7, đã yêu cầu chính quyền quân sự do phe đảo chính lập ra tại Niger từ bỏ quyền lực và khôi phục trật tự hiến pháp cũng như chức vụ cho Tổng thống Mohamed Bazoum. Trong vòng 1 tuần, nếu yêu cầu này không được đáp ứng, ECOWAS sẽ áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết, có thể bao gồm cả biện pháp quân sự, để can thiệp, nhằm khôi phục trật tự hiến pháp tại Niger. Các nhà lãnh đạo 15 nước Tây Phi cũng quyết định áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào phe đảo chính tại Niger, như: đóng băng mọi giao dịch tài chính và thương mại giữa các nước ECOWAS và Niger, đóng cửa biên giới với Niger, cấm nhập cảnh đối với cá nhân tham gia và liên đới trong cuộc đảo chính. Bên cạnh đó, tuyên bố chung của các lãnh đạo Tây Phi cũng lên án một số lực lượng nước ngoài tiếp tay cho cuộc đảo chính.

Về phía quốc tế, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres lên án mạnh mẽt mọi nỗ lực giành chính quyền bằng vũ lực và phá hoại nền quản trị dân chủ, hòa bình và ổn định ở Niger. Ông kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và đảm bảo bảo vệ trật tự hiến pháp. Trong khi đó, trong các ngày 29, 30, 31/7, Liên minh châu Âu (EU), Đức, Pháp đều thông báo ngừng mọi hỗ trợ tài chính và ngừng hợp tác phát triển với Niger.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken cho rằng  mối quan hệ đối tác kinh tế và an ninh của Mỹ với Niger, ước tính lên tới hàng trăm triệu USD, phụ thuộc vào việc duy trì nền dân chủ và trật tự Hiến pháp tại nước này. Sự hỗ trợ đó đang gặp nguy hiểm và các hành vi gây bất ổn cần phải được đảo ngược ngay lập tức.

Niger là nước nhận viện trợ chính từ phương Tây. Niger phải vật lộn với hai chiến dịch thánh chiến: một ở phía Tây Nam, tràn vào từ Mali hồi năm 2015, và chiến dịch còn lại ở phía Đông Nam, liên quan đến lực lượng thánh chiến từ Đông Bắc Nigeria. Việc Chính phủ hợp hiến ở Niger bị lật đổ đã làm phức tạp thêm các nỗ lực của phương Tây nhằm giúp các quốc gia ở khu vực Sahel chống lại cuộc nổi dậy của các phần tử thánh chiến. Đồng thời, khiến cuộc sống của người dân ở Niger – một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới - ngày càng khó khăn.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác