Các Bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng

(VOV5) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định phải cải cách, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%. 

Ngày 3/7, tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo tất cả các Bộ, ngành, địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định phải cải cách, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Cũng tại Hội nghị quan trọng này, nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu đã được lãnh đạo nhiều bộ, ngành đưa ra.

Các Bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng - ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị triển khai công tác ngành. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2017 đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết là tình trạng tiêu thụ nông sản, gia súc, gia cầm còn khó khăn, giá giảm, ảnh hưởng đến người sản xuất. Tăng trưởng công nghiệp, xây dựng thấp hơn so với cùng kỳ, trong đó khai khoáng giảm sâu. Sản xuất kinh doanh có phát triển nhưng vẫn còn khó khăn. Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm, đến nửa năm mới bằng 30% kế hoạch được giao.

Tuy nhiên cũng có yếu tố thuận lợi khi các ngành, các lĩnh vực chủ yếu đang phục hồi mạnh. Quan hệ quốc tế có nhiều thuận lợi. Chỉ số đổi mới sáng tạo được công bố trong tháng 6 của Việt Nam tăng 12 bậc trong bảng xếp hạng của WIPO.

Nông nghiệp là trọng tâm

Năm 2017, Chính phủ giao cho khu vực nông nghiệp nông thôn 3 mục tiêu rất cao, trong đó tốc độ phát triển GDP phải đảm bảo 3% (cao nhất từ năm 2013 đến nay) và xuất khẩu nông, lâm, sản đạt 33 tỷ USD.

Đến thời điểm này, tốc độ tăng trưởng các ngành, hàng mũi nhọn cơ bản đạt mục tiêu. Về nông nghiệp, cơ bản được mùa, giữ được giá có lợi cho người nông dân. Nhóm cây công nghiệp cũng được giá. Nhóm thủy sản, tốc độ tăng trưởng dự kiến lớn nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu. Việc tăng trưởng toàn ngành 6 tháng đầu năm đạt 2,65% là kết quả tích cực.

Trong 6 tháng cuối năm, ngành nông nghiệp sẽ phải đối phó với nhiều thách thức, trong đó có yếu tố thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu cá tra, tôm ở Mỹ. Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết mục tiêu là phải tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản: “Tập trung thúc đẩy tái cơ cấu những mặt hàng có lợi thế bao gồm thủy sản trái cây, cây công nghiệp, lâm nghiệp; tập trung sản xuất chuỗi. Về nhóm tổ chức sản xuất, Bộ đã và đang phối hợp cùng Bộ Kế hoạch đầu tư sớm hoàn thiện, chỉnh sửa Nghị định 210, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, làm hạt nhân liên kết sản xuất với bà con nông dân và đẩy mạnh chế biến.”

Ngoài đẩy mạnh sản xuất, Bộ sẽ tiếp tục đàm phán để có các thỏa thuận song phương với các nước tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông lâm thủy sản như thỏa thuận liên quan đến nhập khẩu tôm chưa nấu chín vào Australia, xuất khẩu trứng gia cầm giống vào Myanmar; thịt lợn, sữa và sản phẩm sữa, cá rô đồng...vào Trung Quốc.

Chú trọng mở cửa thị trường xuất khẩu

Thừa nhận về xuất khẩu từ nay đến cuối năm 2017 các thị trường tiếp tục có diễn biến phức tạp, đặc biệt là các yêu cầu, hàng rào kỹ thuật đang tăng nhanh, Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh cho biết cần phải đẩy nhanh tái cơ cấu trong 1 số ngành, kể cả sản xuất, chế biến; đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ngoài ra là tập trung quyết liệt mở cửa thị trường, đặc biệt căn cứ vào các Hiệp định thương mại tự do đã ký để đẩy nhanh tiến độ mở cửa: “Ví dụ trong chuyến đi Nga vừa qua, phía Nga đặt vấn đề rất nhiều về làm thủ tục để làm chứng nhận công nhận lẫn nhau về kiểm dịch thực vật và động vật hoặc là mở cửa thị trường cho các sản phẩm của Nga mà bù lại chúng ta sẽ được mở cửa thị trường Nga cho các sản phẩm thủy sản. Đồng thời như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc cũng hạn chế về các giấy phép và thủ tục. Vì vậy rất cần thiết phải có sự phối hợp giữa các bộ, ngành để chúng ta đẩy nhanh tốc độ trong cấp phép xuất nhập khẩu các sản phẩm của Việt Nam sang các thị trường này.”

Liên quan đến kiểm soát nhập khẩu, sắp tới phải chuyển đổi các hàng rào hành chính sang thành hàng rào kỹ thuật. Vì vậy Bộ công thương cũng khuyến nghị các Bộ sớm xây dựng các hàng rào kỹ thuật trong lĩnh vực nông sản, thủy sản và thực phẩm chế biến để bảo vệ thị trường một cách phù hợp và hữu hiệu.

Quyết tâm duy trì mức tăng trưởng khách quốc tế 30%       

6 tháng đầu năm 2017 là thời kỳ tăng trưởng chất lượng cao của ngành du lịch Việt Nam. Hầu hết các tỉnh trọng điểm về du lịch đều thu nhiều kết quả ấn tượng, đặc biệt hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch tăng mạnh. Đến nay, Việt Nam có 25 nghìn cơ sở lưu trú với 450 nghìn buồng ,phòng (tăng gấp đôi so với 5 năm trước). Tuy nhiên năng lực cạnh tranh vẫn còn thấp và thương hiệu du lịch quốc gia chưa xứng tầm. Bộ trưởng Bộ văn hóa thể thao du lịch Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận mục tiêu duy trì tăng trưởng 30% lượng khách quốc tế trong năm 2017(tương đương 12,5-13 triệu lượt khách) không dễ dàng. Để đạt mục tiêu này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Ngành đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch và tiếp tục quan tâm đến các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ và các nước châu Âu. Toàn ngành cũng thực hiện bộ quy tắc ứng xử thông minh trong hoạt động du lịch, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn. Ngoài ra tiếp tục chú trọng công tác liên kết du lịch vùng và địa phương.”

6 tháng cuối năm, tuy Việt Nam còn nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhưng việc các bộ, ngành, địa phương cùng quyết tâm, nỗ lực cải cách đổi mới sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm 2017.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác