Chỉ trích các nước về nhân quyền, nhưng thực tế, Mỹ lại thiếu nhân quyền

Chỉ trích các nước về nhân quyền, nhưng thực tế, Mỹ lại thiếu nhân quyền - ảnh 1
Cảnh sát Mỹ bắt giữ người biểu tình tham gia phong trào “Chiếm phố Uôn”. Nguồn:Internet

(VOV5) - Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình nhân quyền thế giới năm 2011, được công bố ngày 24-5-2012, vấp phải sự chỉ trích gay gắt của nhiều nước trên thế giới vì thực tế ngay trong lòng nước Mỹ vẫn tồn tại những vi phạm nhân quyền. Các tuyên bố ngoại giao khẳng định không một quốc gia nào có quyền sử dụng vấn đề nhân quyền như một công cụ để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác: "Trong Tuyên bố phản đối báo cáo của  Mỹ về tình hình nhân quyền của Cuba, Cuba cho rằng tất cả những cáo buộc của Mỹ về tình hình nhân quyền của Cuba chỉ nhằm “che đậy” những hành động tàn bạo của Mỹ trong chính sách cấm vận Cuba. Về phần mình, Trung quốc coi Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ là một tài liệu “mang đầy tính phân biệt đối xử”, coi thường sự thật. Người phát ngôn Bộ ngoại giao VN thì khẳng định Báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền thế giới của Bộ Ngoại giao Mỹ, phần nói về VN “là những nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin sai lệch về tình hình thực thi quyền con người ở Việt Nam”….


Ngoài việc đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ phản đối Báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền thế giới năm 2011 của Bộ Ngoại giao Mỹ, chính quyền Bắc Kinh ngay lập tức công bố Báo cáo về tình trạng nhân quyền nước Mỹ năm 2011 trong đời sống người dân, tình trạng nghèo đói, an ninh cá nhân, các quyền dân sự và chính trị, các quyền văn hóa, xã hội và kinh tế, tệ phân biệt chủng tộc, quyền phụ nữ và trẻ em, cuối cùng là thực trạng vi phạm nhân quyền của Mỹ ở các nước khác. Trung Quốc cho rằng tình trạng vi phạm các quyền dân sự và chính trị diễn ra “nghiêm trọng” ở Mỹ và nước Mỹ đang “tự lừa dối” khi tự cho rằng nước Mỹ là “mảnh đất của tự do”. Tuyên bố đề cao tự do báo chí nhưng thực tế Mỹ lại áp đặt sự kiểm duyệt và kiểm soát gắt gao đối với báo chí. Đạo luật Yêu nước và Đạo luật An ninh nội địa của Mỹ có những điều khoản về giám sát Internet, cho phép chính phủ hay các cơ quan thực thi luật pháp có quyền kiểm soát và ngăn chặn bất kỳ nội dung nào trên Internet “tổn hại tới an ninh quốc gia”.Trung quốc trích dẫn tờ Người bảo vệ (Anh) cho biết quân đội Mỹ đang phát triển phần mềm cho phép thao túng các mạng truyền thông xã hội nhằm kiểm soát và hạn chế tự do ngôn luận trên Internet. Quốc hội Mỹ đã thất bại trong việc thông qua các luật về bảo vệ quyền lợi của các nguồn tin cung cấp cho phóng viên. Ở Mỹ,  số phóng viên thất nghiệp mất việc đang gia tăng vì có những bình luận không phù hợp liên quan tới chính trị. Ngoài ra, cách thức chính quyền Mỹ đối xử với những người biểu tình tham gia phong trào “Chiếm phố Wall” đã cho cả thế giới thấy được cái gọi là “tự do và dân chủ” của Mỹ…

Trong một báo cáo thường niên trước đây, Tổ chức Ân xá quốc tế đặc biệt nhấn mạnh tới tình trạng vi phạm nhân quyền ở Mỹ. Tổ chức này ghi rõ: “Là một quốc gia hùng mạnh bậc nhất thế giới, Mỹ tự cho mình cái quyền đề ra tiêu chuẩn ứng xử cho các quốc gia. Nhưng Washington lại thể hiện cái xấu của mình qua hàng loạt hành động thách thức luật pháp quốc tế” trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu”. Tổ chức Ân xá quốc tế cho rằng vụ đột kích giết trùm khủng bố Bin Laden của đặc nhiệm Mỹ chính là một hành động vi phạm luật nhân quyền quốc tế điển hình. Trong báo cáo năm nay, Tổ chức Ân xá quốc tế không quên chỉ trích chính quyền Bush vì đã cho phép sử dụng các biện pháp tra tấn vi phạm nhân quyền đối với các nghi phạm khủng bố bị giam giữ tại Nhà tù Goantanamo, Afganistan và Iraq…Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) cũng từng yêu cầu Tổng thống Mỹ Obama mở cuộc điều tra hình sự nhằm vào các cáo buộc lạm dụng nhân quyền đối với người tiền nhiệm Bush cùng một số quan chức cấp cao trong chính quyền của ông này. Năm nay, Tổ chức Ân xá quốc tế bày tỏ lấy làm tiếc vì sự thất bại của ông Obama trong việc đóng cửa Nhà tù Goantanamo. Theo Tổ chức Ân xá quốc tế và HRW, Mỹ đã cố tình làm ngơ trước tình trạng nhân quyền tồi tệ của chính nước Mỹ và giữ thái độ im lặng trước những khuyến cáo của các Tổ chức nhân quyền quốc tế về vấn đề này.


Trở lại việc Bộ ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo thường niên tình hình nhân quyền thế giới năm 2011, các quốc gia và các tổ chức quốc tế nhấn mạnh rằng tình trạng nhân quyền tồi tệ của Mỹ không cho phép Mỹ, dù là dựa vào cơ sở pháp lý, chính trị, hay đạo đức để hành động như người giám sát về nhân quyền của thế giới, tự đặt mình cao hơn tất cả để hết năm này đến năm khác công bố những bản báo cáo nhân quyền buộc tội nước khác. Các quốc gia phê phán Mỹ về hành động can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác vì: “không một quốc gia nào có quyền sử dụng vấn đề nhân quyền như một công cụ để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác”. Đối với Việt Nam, Báo cáo của Bộ ngoại giao Mỹ là việc làm đi ngược lại với những nỗ lực và xu thế tích cực không thể đảo ngược trong quan hệ Việt - Mỹ; mối quan hệ đã trải qua những năm thử thách khó khăn nhưng đã định hình một cách rõ rệt theo chiều hướng ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Với tinh thần hòa hiếu, Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác và đối thoại với các nước và các tổ chức quốc tế, trong đó có Mỹ về các vấn đề còn có những cách nhìn khác biệt, trong đó có vấn đề quyền con người. Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Mỹ không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực:chính trị, kinh tế, ngoại giao... như hiện nay, thiết nghĩ, việc cần làm là hai nước cần tăng cường đối thoại và hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp bất đồng. Có như vậy, quan hệ hợp tác Việt Nam – Mỹ mới được thúc đẩy và phát triển, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước./.

Phản hồi

Các tin/bài khác