Việt Nam luôn đi đầu và không ngừng nỗ lực trong việc thực hiện Công ước về luật biển

(VOV5) - Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) được mở ký chính thức ngày 10/12/1982 và chính thức có hiệu lực ngày 16/11/1994.

Hôm nay (10/12), kỷ niệm 42 năm các quốc gia đầu tiên đã ký kết Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (10/12/1982-10/12/2024). Đây là khuôn khổ pháp lý toàn diện điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và có giá trị lịch sử quan trọng trong quản trị biển và đại dương. Là một quốc gia thành viên Công ước từ năm 1994, 30 năm qua, Việt Nam luôn đi đầu và không ngừng nỗ lực trong việc thực hiện Công ước về Luật Biển.

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) được mở ký chính thức ngày 10/12/1982 và chính thức có hiệu lực ngày 16/11/1994. Đến nay, UNCLOS có 168 quốc gia thành viên. Năm 1994, Việt Nam là quốc gia thứ 63 phê chuẩn UNCLOS 1982.
Việt Nam luôn đi đầu và không ngừng nỗ lực trong việc thực hiện Công ước về luật biển - ảnh 1Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) được mở ký chính thức ngày 10/12/1982 và chính thức có hiệu lực ngày 16/11/1994. Ảnh: baochinhphu.vn 

Khuôn khổ pháp lý quan trọng

UNCLOS 1982 được coi là “Hiến pháp về biển và đại dương” của cộng đồng quốc tế, điều ước quốc tế toàn cầu có tầm quan trọng thứ hai sau Hiến chương Liên hợp quốc.

42 năm qua, UNCLOS 1982 đã chứng tỏ vai trò là nền tảng pháp lý quan trọng cho việc quản trị đại dương toàn cầu. Các quy tắc và nguyên tắc của UNCLOS 1982 đã được sử dụng để giải quyết hoặc quản lý hàng chục tranh chấp biển trên thế giới.

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ khẳng định:  "Sự ra đời của Công ước Luật Biển tạo ra những quy định toàn diện và triệt để về quyền được hưởng vùng biển và đặt ra các cơ sở để xác định được các vùng biển. Đây cũng là căn cứ cho các quốc gia trong việc xác lập quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển, đồng thời qui định các cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc để giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, cũng như các tranh chấp nảy sinh giữa các quốc gia liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước."

UNCLOS 1982 cũng là khuôn khổ pháp lý quan trọng nhất để các tổ chức quốc tế liên chính phủ, đặc biệt là Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Tổ chức Nông lương thực thế giới (FAO) ban hành các văn kiện chính trị, điều ước quốc tế về hàng hải, hàng không, thương mại quốc tế, an ninh biển, quản lý, bảo tồn, khai thác thuỷ sản và bảo vệ môi trường biển.

Việt Nam luôn là thành viên tích cực của UNCLOS 1982

Là một quốc gia ven biển có đường bờ biển dài trên 3000 km với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có nhiều lợi ích gắn liền với biển. Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc thực thi UNCLOS 1982. Đồng thời, Việt Nam quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển.

Trước những biến động của môi trường chính trị - an ninh quốc tế, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chọn thượng tôn pháp luật, luật pháp quốc tế mà giá trị cao nhất của sự lựa chọn này chính là hòa bình, ổn định, phát triển, tất cả các bên đều có lợi. Quan điểm này của Việt Nam cũng phù hợp với nhiều quốc gia.

Tiến sĩ Phạm Lan Dung, nguyên Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, Chủ tịch Hội Luật quốc tế châu Á nhiệm kỳ 2023-2025, cho rằng: "Các quốc gia ngày càng đề cao vai trò và giá trị của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS), qua đó khẳng định tính chất phổ quát và nhất quán của Công ước Luật Biển đã thiết lập khuôn khổ pháp lý, trong đó mọi hoạt động trên biển và đại dương được thực hiện. Đây chính là các hành động thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật mà cộng đồng quốc tế mong muốn."

Bối cảnh mới cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với UNCLOS 1982 sau hơn 4 thập kỷ. Đó là sự thay đổi nhanh của khoa học công nghệ, nhu cầu quản trị, khai thác tài nguyên biển và đại dương, biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải, quyền con người trên biển... Do đó, Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, vận dụng các quy định của Công ước trong việc quản lý và sử dụng biển hòa bình và bền vững. Trong đó, “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định rõ mục tiêu là đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh vì biển, giàu vì biển và xác định nhiệm vụ tăng cường, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực biển, tích cực xử lý các tranh chấp, bất đồng trên biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.

UNCLOS 1982 là một trong những chọn lựa đúng đắn nhất, mang tính chiến lược của Việt Nam kể từ khi Việt Nam đặt bút ký tham gia, đến khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn cách đây 30 năm cho đến hiện nay. Hiện nay, giá trị của UNCLOS 1982 ngày càng phát huy và Việt Nam vẫn không ngừng nỗ lực thực hiện.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác