Đảm bảo tốt nhất lợi ích của nạn nhân chất độc da cam/dioxin

(VOV5) - Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn có sự chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán về việc chăm lo cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc dacam/dioxin và con đẻ của họ.

Năm 2022, tròn 61 năm ngày xảy ra thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2022). Chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ rải xuống chiến trường miền Nam Việt Nam trong 10 năm (1961-1971), đã khiến hàng chục vạn người chết, hàng triệu người mắc bệnh nan y, mang nhiều chứng bệnh hiểm nghèo.

Đảm bảo tốt nhất lợi ích của nạn nhân chất độc da cam/dioxin - ảnh 1

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với đại diện Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ và Hội Nạn nhân chất độc dacam/dioxin Việt Nam (tháng 7/2021). Ảnh: TTXVN

Cũng trong từng ấy năm, công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước cũng như của cộng đồng.

Chất dacam/dioxin đã khiến hơn 4 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân. Di chứng chất độc da cam đã truyền sang thế hệ thứ 3, thứ 4. Các nạn nhân chất độc da cam thế hệ này hầu hết đều bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật.

Chính sách nhất quán, chỉ đạo xuyên suốt

Ngay sau ngày thống nhất đất nước (1975), Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn có sự chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán về việc chăm lo cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc dacam/dioxin và con đẻ của họ.

Minh chứng là hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hoàn thiện cả về diện đối tượng và chế độ.

Việc xác nhận người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học dần được hoàn thành. Các cơ quan chức năng đã cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho gần 3 triệu người, trong đó có nhiều nạn nhân chất độc da cam.

Hiện có hơn 320.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

 Hằng năm, Nhà nước dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng để bảo đảm chế độ, chính sách, trợ cấp, chăm sóc sức khỏe, hồi phục chức năng cho các nạn nhân. Nhờ đó, các chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con đẻ của họ được thực hiện ngày càng đầy đủ, như trợ cấp hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, miễn, giảm giá vé khi tham gia giao thông.

Đảm bảo tốt nhất lợi ích của nạn nhân chất độc da cam/dioxin - ảnh 2

Lớp học tại làng trẻ  Hòa Bình - Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: baodansinh.vn

Hàng trăm ngàn lượt người khuyết tật nặng, trong đó có nạn nhân chất độc dacam/dioxin, được chỉnh hình, phục hồi chức năng; hàng chục ngàn trẻ em tàn tật, trong đó có trẻ em bị hậu quả gián tiếp của chất độc dacam/dioxin được đi học trong các trường hòa nhập và chuyên biệt.

Phát biểu tại buổi làm việc với đại diện Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ và Hội Nạn nhân chất độc dacam/dioxin Việt Nam (tháng 7/2021), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Đây là chính sách rất quan trọng. Nếu chúng ta đối xử với những người đã đóng góp cho kháng chiến hiện nay tốt như thế nào thì nền tảng bảo vệ Tổ quốc tốt bấy nhiêu. Đảng, Nhà nước, nhân dân có sự quan tâm đến các gia đình thương binh, liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam. Cho nên những người điều hành đất nước, các cấp các ngành phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng".

Sự đồng lòng của toàn xã hội

Các phong trào hành động, ủng hộ nạn nhân chất độc dacam/dioxin lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. 

Hằng năm, Hội nạn nhân chất độc dacam/dioxin các cấp đã vận động, huy động nguồn lực xã hội ở trong và ngoài nước trị giá hàng trăm tỷ đồng để giúp nạn nhân làm nhà, sửa chữa nhà, xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, khám chữa bệnh, dạy nghề, nuôi dưỡng, hỗ trợ học bổng, cho vay vốn sản xuất, tặng xe lăn, xe lắc...,cùng nhiều dự án xây dựng các trung tâm bảo trợ xã hội...Từ đầu năm 2022 đến nay, Hội nạn nhân chất độc dacam/dioxin Việt Nam đã vận động các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài ủng hộ được hơn 200 tỷ đồng. Từ nguồn vận động trên, đã có hàng triệu lượt nạn nhân chất độc dacam được thụ hưởng.

Cả nước hiện có 12 Làng Hòa Bình, Làng Hữu Nghị và nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, theo hình thức tập trung hoặc bán trú, nuôi dưỡng hàng nghìn nạn nhân, chủ yếu là trẻ em dị dạng, dị tật do ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin.

26 trung tâm bảo trợ xã hội thực hiện xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, dạy nghề, nuôi dưỡng thường xuyên, hoặc bán trú các nạn nhân chất độc dacam/dioxin. Trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản di truyền tại Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh đã và đang hoạt động tích cực nhằm giảm tỉ lệ sinh con dị tật. Một số địa phương đã tiến hành điều tra tổn thương tâm lý và trợ giúp tâm lý cho nạn nhân chất độc dacam/dioxin.

Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc dacam/dioxin là vấn đề lâu dài, quan trọng và cấp bách. Việc các cấp chính quyền có những biện pháp cụ thể, xã hội đồng tình ủng hộ sẽ góp phần đảm bảo tốt nhất lợi ích cho các nạn nhân.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác