Đổi mới công tác dân vận, chú trọng hướng về cơ sở

(VOV5)- Công tác dân vận của Đảng hiện càng được chú trọng trong giai đoạn Việt Nam thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

         

Đổi mới công tác dân vận, chú trọng hướng về cơ sở - ảnh 1
Công tác dân vận luôn có ý nghĩa chiến lược trong mọi thời kỳ cách mạng (ảnh minh họa)


Dân vận và sức mạnh tập hợp quần chúng

Suốt chặng đường 83 năm qua kể từ khi Đảng cộng sản Việt Nam có Nghị quyết đầu tiên về công tác vận động quần chúng nhân dân, công tác dân vận của Đảng đã đạt được những thành tích to lớn, góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, giúp cho Đảng cộng sản Việt Nam tập hợp được sức mạnh của nhân dân để vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược và thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới.


Quyết sách về công tác dân vận trong thời kỳ mới        

Nhận rõ sự cần thiết và quan trọng của công tác dân vận, Đảng cộng sản Việt Nam đã có nhiều quyết sách về công tác dân vận nhằm phát huy hiệu quả của công tác dân vận trong từng thời kỳ cách mạng. Mới nhất là tại Hội nghị lần thứ 7 tháng 5-2013, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 11 đã bàn và thảo luận về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận. Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, có rất nhiều vấn đề mới đặt ra tác động đến tư tưởng, tình cảm, đời sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chỉ có đổi mới và làm tốt công tác dân vận, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với dân, cũng như khối đại đoàn kết toàn dân thì mới phát huy được sức mạnh to lớn của toàn dân phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Về công tác dân vận, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh:


Phải quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng ta về dân vận, về đại đoàn kết dân tộc. Đặc biệt là phải tôn trọng và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; hết lòng, hết sức chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, chú trọng đến lợi ích trực tiếp của người dân; luôn trọng dân, gần dân, hiểu dân, tin dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Thường xuyên chỉnh đốn, xây dựng Đảng, Nhà nước, chính quyền trong sạch, vững mạnh; mọi quan điểm, chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước phải vì dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, tận tuỵ với công việc, nói đi đôi với làm để nhân dân tin tưởng, noi theo.


Công tác dân vận hướng mạnh về cơ sở

Ngay sau Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khoá 11 đã có Nghị quyết số 25 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam với công tác dân vận trong tình hình mới. Ban Dân vận Trung ương đang phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện Nghị quyết này, theo hướng vừa tăng cường, vừa đổi mới công tác dân vận. 

Bà Đỗ Yến Khanh, Trưởng ban Dân vận thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, cho biết: Chúng tôi đổi mới công tác tuyên truyền, vận động. Trước mỗi công việc cụ thể, cả hệ thống chính trị họp bàn, phân công nhiệm vụ cụ thể. Có những biện pháp, tình huống, ở đơn vị này thì nhiệm vụ, nội dung tuyên truyền vận động gì cho phù hợp. Trên cơ sở phân công nhiệm vụ, chúng tôi phân loại đúng đối tượng, tìm nguyên nhân vì sao người dân không đồng thuận. Ngoài ra, cần sự đồng thuận của nhân dân ở khu vực đó để tạo được hiệu quả.


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác dân vận. Song song đó, các địa phương phải tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc trong nhân dân, nhất là về đời sống, công ăn việc làm, giải toả, đền bù đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân, cải cách thủ tục hành chính; khắc phục tình trạng tiêu cực, phiền hà; ách tắc và tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, bảo đảm an sinh xã hội… Ngoài ra, cần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, các hội quần chúng. Kiện toàn, nâng cao năng lực dân vận của các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận trong toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là trong các cơ quan hành chính nhà nước, các cán bộ thường xuyên có quan hệ, tiếp xúc trực tiếp với dân. Đổi mới mạnh tác phong công tác, thật sự gần dân, trọng dân, học dân. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở…


Các quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam cơ bản đã thể hiện rõ, nhất quán công tác dân vận vì nhân dân, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân và mở rộng dân chủ, phát huy vai trò, quyền làm chủ của nhân dân. Khi ý Đảng, lòng dân hòa hợp, nghĩa là công tác dân vận đạt hiệu quả, sẽ tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước./.

Phản hồi

Các tin/bài khác