Hiểu đúng về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam

(VOV5) - Tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam là một trong một số vấn đề mà dư luận ở phương Tây thường quan tâm trong các diễn đàn quốc tế về  bảo đảm quyền con người.


 Do thiếu thông tin và còn giữ một số định kiến nên vẫn có người chưa hiểu hết, hoặc hiểu chưa đúng tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Thực tế là Việt Nam có chính sách tôn giáo bảo đảm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.

Hiểu đúng về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam - ảnh 1
Cầu Chùa Nôm, làng Nôm - Hưng Yên. Ảnh: Đức Anh


Để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của người dân, hơn nửa thế kỷ qua, hệ thống pháp luật ở Việt Nam luôn được điều chỉnh và hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như bảo đảm sự tương thích quốc tế. Điều này giúp đời sống, tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam ngày càng được đảm bảo trên thực tế.


Chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Trong hơn 50 năm qua, đã có hơn 100 văn bản pháp luật có nội dung điều chỉnh về tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành gồm các Nghị định, Thông tư, Chỉ thị... Ngoài ra còn nhiều văn bản quy phạm pháp luật có điều khoản điều chỉnh lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đất đai... Đặc biệt, năm 2013, Quốc hội Việt Nam thông qua Hiến pháp năm 2013 với rất nhiều nội dung liên quan quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Hiểu đúng về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam - ảnh 2
Lễ hội rước kiệu Cao Sơn Đại Vương tại đền Kim Liên, Xã Đàn - Hà Nội.Ảnh: Đức Anh


Lần đầu tiên, Hiến pháp xác định không phải chỉ công dân mới có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền tự thân, vốn có của mọi người và được Nhà nước bảo hộ. Có thể thấy rõ vấn đề này trong Điều 24: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.


Hiểu đúng về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam - ảnh 3
Các em nhỏ tham gia lễ Phục Sinh tại nhà thờ Trà Cổ, Quảng Ninh.Ảnh: Đức Anh


Điểm nổi bật hơn là tháng 11/2016, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo lần đầu tiên được Quốc hội Việt Nam thông qua. Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định đường lối, chủ trương, chính sách cởi mở của Việt Nam đối với nhu cầu đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, qua đó khuyến khích mọi người dân góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển.


Nhiều ưu điểm vượt trội về tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 thể hiện đúng bản chất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Điều 6 của Luật nêu rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo. Luật bổ sung một chương về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phản ánh rõ hơn phạm vi điều chỉnh của Luật cũng như thể hiện một cách cơ bản nhất chính sách của Nhà nước trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Về việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo, Luật xem đây là hoạt động là nhằm thỏa mãn nhu cầu tôn giáo của người theo tôn giáo, chứ không xem là một điều kiện để hình thành tổ chức tôn giáo. Luật cũng bổ sung nội dung phong phẩm, bổ nhiệm người có quốc tịch nước ngoài hoạt động cho tổ chức tôn giáo ở Việt Nam. Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam cũng có quyền sinh hoạt tôn giáo, tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; sử dụng địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo tập trung; mời chức sắc, chức việc, nhà tu hành thực hiện các lễ nghi tôn giáo, giảng đạo; vào tu tại cơ sở tôn giáo, vào học tại cơ sở đào tạo tôn giáo hoặc lớp bồi dưỡng về tôn giáo của tổ chức tôn giáo ở Việt Nam; mang theo xuất bản phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Hiểu đúng về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam - ảnh 4
Các em nhỏ trong lễ cúng rằm tháng 7 tại chùa Quán Sứ - Hà Nội.Ảnh: Đức Anh


Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 thể hiện quan điểm thiết thực, hành động cụ thể của Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực tôn giáo. Luật được cho là đã đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của chức sắc các tổ chức tôn giáo, tạo điều kiện để nhân dân thỏa mãn nhu cầu đời sống tâm linh, khuyến khích phát huy các giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội. Luật ra đời là biểu hiện cho thấy Việt Nam ngày càng thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn Hiến pháp, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế. Xây dựng hệ thống luật pháp thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người dân chính là cách Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai để tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam ngày càng được đảm bảo.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác