Môi trường đầu tư của Việt Nam đã ổn định

(VOV5) - Việc Trung quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cách đây hơn  1 tháng khiến các tầng lớp nhân dân Việt Nam bất bình. Yêu nước là chính đáng những thể hiện như thế nào mới là yêu nước chính đáng?Đã có một số cuộc tuần hành tự pháp bị các phần tử quá khích lợi dụng để  thực hiện các hành vi đập phá tài sản của các doanh nghiệp, phá hoại môi trường đầu tư của Việt Nam. Với nhiều nỗ lực của Chính phủ và các địa phương, các doanh nghiệp hiện đã khôi phục sản xuất, trở lại hoạt động bình thường.

 

 Môi trường đầu tư của Việt Nam đã ổn định - ảnh 1



Ngay sau khi sự việc xảy ra, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì nhiều cuộc họp với các Bộ ngành và địa phương liên quan trực tiếp chỉ đạo giải quyết vụ việc. Đến nay, Thủ tướng đã ra 4 chỉ thị yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương áp dụng các biện pháp cụ thể, quyết liệt, xử lý triệt để vụ việc. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan của Việt Nam đã trực tiếp xuống hiện trường, thăm hỏi các doanh nghiệp, nhân viên nước ngoài và Việt nam bị thiệt hại cũng như trao đổi các biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất. Đích thân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi thăm và tìm hiểu tình hình tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất trong vụ việc, đã khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước VN là đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư.

 

Những biện pháp thực tế, kịp thời

 

Để thiết thực giúp đỡ các nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam cam kết miễn giảm thuế, miễn giảm tiền thuê đất và trợ giúp họ về vấn đề lao động. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ hoàn lại thuế cho các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ chịu thiệt hại, đồng thời giảm tối đa 30% thuế tiêu thụ đặc biệt mà doanh nghiệp phải nộp trong năm 2014. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cũng miễn, giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp bị thiệt hại. Bộ Lao động-Xã hội chịu trách nhiệm cung ứng nguồn lao động thiếu hụt và Bộ Công an được yêu cầu tạo mọi điều kiện thuận lợi để cấp thị thực nhập cảnh nhanh cho nhà đầu tư và lao động nước ngoài vào Việt Nam với các công ty chịu thiệt hại. Chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu các địa phương đánh giá nhanh tình hình thiệt hại của các doanh nghiệp nước ngoài để chia sẻ kịp thời những tổn thất. Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, khẳng định: Chính phủ đã có những chỉ đạo ngay từ đầu các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với nhau để bám sát tình hình và hiện nay các địa phương và các cơ quan chức năng đang phối hợp với nhau để có những hỗ trợ cần thiết cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nói chung để sớm ổn định sản xuất. Hiện nay các địa phương, các cơ quan chức năng phối hợp với nhau để có những hỗ trợ để các doanh nghiệp dần dần ổn định sản xuất.

 

Môi trường đầu tư đã ổn định trở lại

          

Tại  tỉnh Bình Dương, địa phương có nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại nhất trong vụ việc, đến nay đã có 95% doanh nghiệp khôi phục sản xuất, trong đó tại các khu công nghiệp có 85% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Hiện trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, không khí làm việc rất khẩn trương, nhiều doanh nghiệp cho công nhân làm việc thêm giờ để hoàn thành đơn hàng xuất khẩu đã ký với đối tác. Ông Lee Tong Hue, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tỉnh Bình Dương, bày tỏ:Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã có những giải pháp khắc phục rất nhanh chóng, giúp cho các doanh nghiệp Hàn Quốc bị thiệt hại quay lại hoạt động sớm. Chúng tôi rất cảm kích trước sự nhiệt tình giúp đỡ của chính quyền địa phương.

 

Các doanh nghiệp nhanh chóng ổn định trở lại sản xuất kinh doanh cho thấy sự gắn bó, hợp tác đồng hành giữa chính quyền địa phương với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, khẳng định sự tin tưởng của nhà đầu tư, doanh nghiệp về chính sách của nhà nước, về môi trường đầu tư. Ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Bình Dương, cho biết:Qua sự việc tôi thấy Chính phủ cũng như lãnh đạo tỉnh và các ban ngành đã chung sức cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Các doanh nghiệp đã đánh giá cao sự giúp đỡ này, giúp các doanh nghiệp hồi phục sớm.

 

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong tương lai

 

Khẩn trương xác định thiệt hại để hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, sớm trở lại sản xuất kinh doanh là nội dung trong Thông báo số 207 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện chủ trương này, nhiều địa phương của Việt Nam đang thực hiện mọi giải pháp phù hợp nhằm giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, nhất là hỗ trợ khôi phục, xác nhận, cung cấp hồ sơ, tài liệu, chứng từ phục vụ cho việc xác định giá trị tài sản bị thiệt hại để đền bù. Về điều này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết:Những giải pháp của Chính phủ đưa ra, trước mắt đã giải quyết cơ bản khó khăn vướng mắc của các nhà đầu tư. Hy vọng với những giải pháp đó, các nhà đầu tư và doanh nghiệp có thể sớm trở lại sản xuất. Trường hợp trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn vượt quá thẩm quyền của Chính phủ thì sẽ xem xét báo cáo Quốc hội.

 

Trong diễn biến mới nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hôm nay, 2/6, có thêm chỉ thị yêu cầu các ngành, các địa phương đẩy nhanh thực hiện các giải pháp và giải quyết các thủ tục hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp bị thiệt hại tại một số địa phương. Những việc làm khẩn trương và trách nhiệm của Chính phủ, các cấp, ban, ngành của Việt Nam tiếp tục cho thấy cam kết của Việt Nam về việc đảm bảo môi trường đầu tư an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư nước ngoài./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác