(VOV5) - Việt Nam tăng 14 bậc trên bảng xếp hạng HDI năm 2023, khẳng định cam kết phát triển con người toàn diện, lấy người dân làm trung tâm của mọi chính sách phát triển.
Theo Báo cáo Chỉ số phát triển con người (HDR) được Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố hồi đầu tháng 5, Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có mức phát triển cao. Đây là kết quả thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy mạnh tiến bộ về phát triển con người. Đồng thời là minh chứng cho quan điểm con người là trung tâm của sự phát triển.
Toàn cảnh lễ công bố “Báo cáo Phát triển Con người năm 2025”. Ảnh: UNDP tại Việt Nam |
Việt Nam đã và đang tiếp tục xây dựng một Nhà nước của dân, do dân và vì dân, với những chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm các quyền con người được lồng ghép vào mọi chiến lược và chương trình phát triển của đất nước.
Thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển con người
Báo cáo của UNDP cho thấy Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2023 đạt mức 0,766, xếp trong nhóm các quốc gia có mức phát triển con người cao, đứng thứ 93 trên tổng số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp thứ 5 ở khu vực Đông Nam Á, tăng mạnh 14 bậc so với năm 2022. Bà Đỗ Lê Thu Ngọc, Trợ lý đại diện Thường trú, Trưởng phòng Tăng trưởng bao trùm của UNDP tại Việt Nam, cho rằng: "Việt Nam có chỉ số HDI là 0,766, tăng so với lần khảo sát trước đó. Từ năm 1990 đến nay, chỉ số HDI của Việt Nam cũng đã tăng lên nhiều. Điều đó cho thấy được sự cam kết của Chính phủ trong việc đẩy mạnh tiến bộ về phát triển con người. Trong khi các nước trên thế giới đang gặp khó khăn về đẩy nhanh tiến bộ về phát triển con người, tại Việt Nam, các chính sách của Chính phủ có thể đang hỗ trợ theo hướng tích cực hơn trong vấn đề này".
Chỉ số HDI của Việt Nam giai đoạn 1990 - 2023. Ảnh: UNDP tại Việt Nam |
Còn theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2025, Việt Nam đứng thứ 46, tăng 8 bậc so với năm 2024. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy chất lượng sống của người dân đang được cải thiện rõ rệt, đồng thời phản ánh hiệu quả tích cực của các chính sách phát triển con người.
Trong gần 40 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình kinh tế - xã hội lớn nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng thụ hưởng các quyền con người của mọi người dân. Điều này được minh chứng bởi các kết quả nổi bật, như: tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2024 chung toàn quốc là 4,06%, giảm 1,65% so với năm 2023, mức độ giảm nghèo được ghi nhận mạnh mẽ và ấn tượng cả theo chuẩn quốc gia và chuẩn quốc tế; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân năm 2024 đạt 94,1%; công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân không ngừng được cải thiện, tuổi thọ của người dân không ngừng tăng lên; Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình…
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã đạt nhiều bước tiến đáng kể trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng triệu người. Hiện, Việt Nam đã hoàn thành nhiều mục tiêu trước thời hạn Liên hợp quốc đặt ra trong Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs), như: mọi người đều có đủ lương thực; tất cả trẻ em học hết tiểu học; phụ nữ có các cơ hội và được tôn trọng như nam giới; có thêm nhiều trẻ em dưới 5 tuổi lớn lên khỏe mạnh…
Đẩy mạnh các chính sách về phát triển con người
Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển, bảo đảm tất cả người dân được hưởng các quyền con người.
Cùng với các chương trình, chính sách đang được thực hiện, thời gian tới, nhiều quyết sách quan trọng trong chiến lược phát triển con người bền vững để phát triển bền vững đất nước cũng sẽ được triển khai đồng bộ. Trong đó, đáng chú ý, Bộ Chính trị đã quyết định thực hiện miễn toàn bộ học phí cho khoảng 2,3 triệu học sinh, từ Mầm non đến hết Trung học phổ thông công lập, trên phạm vi cả nước, từ đầu năm học mới 2025-2026. Chính sách miễn học phí nhằm hướng tới tiến bộ và công bằng xã hội. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng: "Đây là 1 quyết sách rất lớn và sẽ có tác động với không chỉ ngành giáo dục mà còn đối với toàn xã hội; tạo ra sự công bằng trong giáo dục, tạo thuận lợi trong phổ cập giáo dục. Đây sẽ là điều kiện để ngành giáo dục tiếp tục thực hiện những đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục".
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: VOV |
Sau miễn giảm học phí, Tổng Bí thư Tô Lâm thời gian qua cũng đề cập đến việc tiến tới miễn viện phí cho toàn dân giai đoạn 2030-2035 với lộ trình giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân. Chủ trương này là bước đột phá lớn, thể hiện tinh thần của một nhà nước vì dân, lấy chất lượng sống của nhân dân làm trung tâm. PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, nhấn mạnh: "Tôi cho rằng đây là một chủ trương tuyệt đối đúng, hiện thực hóa những chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam từ trước đến nay, đó là luôn luôn quan tâm đến an sinh xã hội, lấy người dân làm gốc, làm trung tâm cho tất cả mọi hoạt động ở tất cả các lĩnh vực. Đây cũng là hiện thực hóa việc không để ai bị bỏ lại phía sau. Quyết định này không những mang tính chất đột phá trong giai đoạn tới, để phúc lợi xã hội toàn dân được bình đẳng hơn, mà còn thể hiện mọi người dân Việt Nam sống trên đất nước này đều có quyền hưởng phúc lợi. Đây cũng là bước tiến rất lớn trong vấn đề an sinh xã hội của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay".
Các chính sách và chiến lược phát triển của Việt Nam đều được xây dựng với mục tiêu đáp ứng nhu cầu của con người, bảo vệ quyền lợi của người dân và tạo điều kiện cho mọi người được tham gia vào quá trình phát triển. Điều này đã mang lại những thay đổi tích cực trong chiến lược phát triển chung của quốc gia cũng như sự phát triển toàn diện con người nói riêng.