Tăng cường hệ thống an sinh xã hội vì sự phát triển của con người

(VOV5) - Hội nhập quốc tế cùng sự phát triển đi lên của kinh tế, xã hội nước nhà đã tạo điều kiện để Việt Nam đạt được thành quả to lớn trong việc đảm bảo an sinh xã hội trong những năm qua.

Trước những thách thức lớn vì cạnh tranh trong hội nhập, tác động của cuộc cách mạng 4.0, cũng như xu hướng già hóa nhanh và tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh... Việt Nam đang tích cực nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống an sinh xã hội vì mục tiêu phát triển con người.

Tăng cường hệ thống an sinh xã hội vì sự phát triển của con người - ảnh 1Làm thủ tục cho hộ nghèo, đối tượng chính sách vay vốn tại điểm giao dịch xã Đê Ar, huyện Mang Yang (Gia Lai). Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Tại Việt Nam, hệ thống an sinh xã hội được hình thành từ các trụ cột cơ bản, bao gồm: Giảm nghèo bền vững; đào tạo nghề, lao động, việc làm; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các loại bảo hiểm khác; bảo trợ xã hội và các dịch vụ xã hội cơ bản.

Hệ thống an sinh xã hội đạt nhiều thành tựu

Những năm gần đây, Việt Nam đã đạt những bước tiến quan trọng trong xây dựng thể chế chính sách nhằm từng bước tạo cơ sở để mở rộng mức độ bao phủ an sinh xã hội, với mục tiêu cuối cùng là để mọi công dân được bảo đảm an sinh xã hội trong suốt vòng đời.

Cụ thể, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam 2021-2030 đặt ra các mục tiêu để Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045; các Nghị định về việc quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, với mức điều chỉnh tăng thêm 7,4% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng cho người hưởng lương hưu thấp tính từ ngày 1/1/2022.

Trong các năm 2020, 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống xã hội của người dân, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách phù hợp, kịp thời, nhân văn; trong đó có những chính sách chưa có tiền lệ, như Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Tăng cường hệ thống an sinh xã hội vì sự phát triển của con người - ảnh 2Ông Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ Lao động -  Thương binh và Xã hội) tại một hội thảo. Ảnh: Mai Giang/ tapchicongsan.org.vn

Với những cơ chế, chính sách đã được ban hành, đến nay, hệ thống an sinh xã hội tại Việt Nam cơ bản được xây dựng một cách đồng bộ và triển khai rộng khắp cả nước.

Ông Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết: "Việt Nam hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu thiên niên kỷ; cải thiện chỉ số phát triển con người, góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao phúc lợi xã hội đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Hệ thống chính sách xã hội cơ bản đồng bộ, toàn diện, bảo đảm quyền an sinh xã hội của người dân. Người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế được Nhà nước, xã hội trợ giúp thường xuyên, kịp thời, hiệu quả. Hệ thống dịch vụ xã hội được cải thiện, cơ bản đảm bảo quyền học tập, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông cho nhân dân".

Mô hình an sinh xã hội của Việt Nam đã đem lại những thành quả đáng khích lệ, được thế giới công nhận, như: thành tích xóa đói, giảm nghèo, giáo dục, y tế... Trong Báo cáo Phát triển con người (HDR) toàn cầu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, giá trị Chỉ số Phát triển con người (HDI) của Việt Nam là 0,703 vào năm 2021, xếp thứ 115/191, tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu. Kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2021 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều năm 2021 của Việt Nam là 4,4%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam cũng  giảm liên tục trong giai đoạn 2016-2021, trung bình mỗi năm giảm khoảng 1 điểm phần trăm.

Hướng tới xây dựng hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bền vững

Vấn đề an sinh xã hội của Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều khó khăn thách thức bởi các yếu tố, như: rủi ro toàn cầu, các vấn đề về môi trường và áp lực nhân khẩu học do tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế cũng như thị trường lao động, có tác động mạnh mẽ đến mức sống của mọi người dân… Do đó, Việt Nam xác định nhiệm vụ cải cách hệ thống an sinh xã hội hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bền vững sẽ là yếu tố xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước.

Ông Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH), cho biết thêm: "Làm sao để bao phủ an sinh xã hội toàn dân, hay những thách thức về một bộ phận lớn dân cư đang nằm ở mức thu nhập thấp cũng không phải là đối tượng người nghèo, hộ cận nghèo, nhưng có nhiều khát vọng vươn lên trong xã hội. Họ đang cần sự hỗ trợ, đầu tư của xã hội, tạo cơ hội để họ có việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn, hạn chế các rủi ro về kinh tế xã hội. Đầu tư cho nhóm này để họ phát triển, cùng với sự phát triển thịnh vượng của xã hội, thỏa mãn các khát xọng vươn lên của nhóm này. Nhận diện các thách thức để chính sách xã hội trong thời kỳ mới cần có những tiếp cận mới, thay đổi một cách toàn diện cần có những đột phá, cần có những ưu tiên".

Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được nêu rõ tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam là: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”. Để hoàn thành mục tiêu này, Việt Nam đã và đang tiếp tục xây dựng, phát triển an sinh xã hội theo hướng trở thành hệ thống an sinh xã hội đa tầng thực sự, nhằm khắc phục tình trạng diện bao phủ thấp, mức hưởng thấp, chênh lệch giới trong thực hiện chính sách an sinh. Hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam sẽ dựa trên cách tiếp cận vòng đời, bền vững, bao trùm, đáp ứng cú sốc, nhạy cảm về giới và bảo đảm đất nước tiếp tục phát triển kinh tế nhanh chóng và không ai bị bỏ lại phía sau.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác