Trừng phạt Iran liệu có mang lại hiệu quả?

(VOV5) -  Ngày 7/8, các biện pháp tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran chính thức có hiệu lực.

Việc áp đặt lệnh trừng phạt là một trụ cột quan trọng trong chính sách với Iran của Washington. Tuy nhiên giới phân tích đánh giá các đòn trừng phạt mà Mỹ tái áp đặt khó có khả năng khiến Iran thay đổi chính sách của nước này tại khu vực Trung Đông.

Mỹ tuyên bố tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran ký năm 2015. Gói biện pháp trừng phạt đầu tiên của Mỹ có thời hạn 90 ngày, bắt đầu từ 7/8. Theo đó, chính phủ Iran sẽ bị cấm mua USD, chặn giao dịch về vàng, các kim loại khác, than và phần mềm liên quan đến công nghiệp. Ngoài ra, Mỹ cũng ngừng nhập khẩu các mặt hàng thảm và thực phẩm của Iran, chặn một số giao dịch tài chính của nước này.

Trừng phạt Iran liệu có mang lại hiệu quả? - ảnh 1Những biện pháp trừng phạt Mỹ tái áp đặt đối với Iran sẽ có những tác động nhất định đối với Tehran cả trong ngắn hạn và dài hạn. Ảnh: CNN 

Sau đó, đầu tháng 11 tới, Mỹ dự kiến áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ hai nhằm vào ngành dầu mỏ và ngân hàng trung ương Iran.

Sự cứng rắn của Mỹ

Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Iran trong bối cảnh nền kinh tế Iran đang có những dấu hiệu của khủng hoảng, lạm phát tăng, đồng nội tệ mất giá. Tình trạng kinh tế khó khăn làm gia tăng những thách thức về mặt xã hội tại Iran như: khoảng cách giàu nghèo bị nới rộng, bất ổn leo thang khi tại Iran diễn ra ngày càng nhiều các cuộc biểu tình. Dự báo của IMF về tăng trưởng kinh tế của Iran trong năm nay khoảng 4%, nhưng những tác động xấu từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể khiến mức tăng trưởng giảm tới dưới 2%.

Vào đúng ngày lệnh trừng phạt Iran có hiệu lực, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mạnh mẽ khẳng định Mỹ sẽ thực thi đầy đủ các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Còn sắc lệnh hành pháp tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran hôm 6/8 của Nhà Trắng thì nêu rõ chính sách của Washington là "gây sức ép tối đa về kinh tế" đối với Iran.

Tuy nhiên các đòn trừng phạt mà Mỹ tái áp đặt khó có khả năng khiến Iran thay đổi chính sách của nước này tại khu vực Trung Đông. Những biện pháp trừng phạt chỉ có thể củng cố thái độ không sẵn lòng đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào của Iran tại Trung Đông. Và trừng phạt chỉ thực sự có hiệu quả nếu chúng được ủng hộ trên toàn cầu.

Iran đối phó

Đúng như dự đoán. Bất chấp những cảnh báo về tác động của các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt, Iran tuyên bố sẽ không lùi trước kế hoạch của Mỹ. Và gần như đồng thời với lệnh trừng phạt có hiệu lực, quốc gia Hồi giáo này đã tung ra các biện pháp nới lỏng các quy định ngoại hối. Theo đó, các phòng giao dịch được phép mua và bán các loại ngoại tệ mạnh. Các nhà nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu được phép tiếp cận với ngoại tệ mạnh và tỷ giá hối đoái được xác định bởi thị trường mở. Dòng tiền này không bị hạn chế và không bị đánh thuế. Trong khi đó, các tài khoản tiết kiệm bằng USD giờ đây được ngân hàng chấp nhận, một động thái dự kiến sẽ thúc đẩy người dân đưa tiền của họ ra thị trường.

Không chỉ Iran, trong cuộc chiến đối phó với lệnh cấm vận của Mỹ, còn có các nước châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố khối này đã sẵn sàng đưa ra các biện pháp mới để bảo vệ doanh nghiệp châu Âu trước những ảnh hưởng do lệnh cấm vận được Mỹ tái áp đặt chống Iran. Một "quy chế phong tỏa" bắt đầu có hiệu lực vào từ 4 giờ giờ GMT ngày 7/8. Cơ chế này nhằm ngăn các công ty châu Âu tuân thủ theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ, trừ khi được sự cho phép của Ủy ban châu Âu. Bộ kinh tế liên bang Đức thì cam kết tiếp tục bảo trợ các hoạt động xuất khẩu và đầu tư của các doanh nghiệp nước này có làm ăn với Iran.

Rõ ràng, trong cuộc chiến kinh tế trừng phạt Iran, đến giờ Mỹ vẫn không thuyết phục được các đồng minh châu Âu, những quốc gia vốn rất coi trọng thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran năm 2015. Và trừng phạt sẽ khó đạt hiệu quả mong muốn khi không nhận được sự ủng hộ trên toàn cầu.

Có lẽ nhận thức được vấn đề trên nên tuy tái áp đặt lệnh trừng phạt nhưng Nhà Trắng cũng vẫn đặt ra điều kiện cho phép Iran nối lại hoạt động thương mại. Đó là Iran sẽ thay đổi hành động theo cách ôn hòa và sẽ thảo luận về các mối lo ngại của Mỹ liên quan đến việc nước này thử tên lửa đạn đạo hay hỗ trợ các nhóm phiến quân trong khu vực. Tuy nhiên, chính việc Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt, rút khỏi thỏa thuận hạt nhân (năm 2015), và sau đó lại muốn đàm phán, đã đánh mất niềm tin của Iran với Mỹ. Giờ đây, giới chức Iran khẳng định Washington không thể chứng minh về sự đáng tin cậy của họ trong bất kỳ cuộc đàm phán nào.

Phản hồi

Các tin/bài khác