Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020: Trách nhiệm và cơ hội lớn

(VOV5) - Việt Nam sẽ tiếp tục chương trình nghị sự của Thái Lan về phát triển bền vững, tiếp tục duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác của khu vực...

Ngày 4/11, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35, Việt Nam chính thức tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 từ Thái Lan, bắt đầu đảm nhận cương vị này trong một năm kể từ 1/1/2020.

Tuy đây không phải là lần đầu tiên đảm đương một trọng trách của ASEAN nhưng cương vị chủ tịch ASEAN lần này mang những nét mới với những sắc thái nổi bật, trong bối cảnh Hiệp hội đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ.

Không chỉ có nhiệm vụ định hướng cho Hiệp hội tiến lên, tăng cường liên kết, vượt qua khó khăn, nước Chủ tịch ASEAN cũng đồng thời đem đến cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường hơn nữa hình ảnh, vai trò và vị thế của mình không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà cả trên các diễn đàn quốc tế.

Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020: Trách nhiệm và cơ hội lớn - ảnh 1

Ảnh minh họa

Năm 2020 được xem là năm chủ chốt trong tiến trình triển khai kế hoạch hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025 và cũng là dịp kỷ niệm tròn 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Ưu tiên của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam là tập trung vào thúc đẩy gắn kết nội khối và khả năng thích ứng của ASEAN trước những biến động của thời cuộc, vì sự phát triển của ASEAN.

Việt Nam tiếp tục duy trì sức hấp dẫn của ASEAN sau hơn 50 năm

Thời gian qua, nhất là trong năm 2019, mọi hành động của ASEAN đều hướng tới mục tiêu củng cố tính bền vững trên cả 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN.

Trong đó, về kinh tế, ASEAN tập trung vào việc thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao khả năng tận dụng thành quả Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, xây dựng “ASEAN số”, kết nối vì một “ASEAN thông suốt”. Đồng thời, ASEAN đã tăng cường phúc lợi xã hội và củng cố khả năng sẵn sàng ứng phó với thiên tai, đề cao bản sắc văn hóa ASEAN, gắn kết các tầng lớp nhân dân cả trong và ngoài khu vực... Một minh chứng rõ nét nữa là ASEAN ngày càng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư thế giới. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang giữa các nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ - Trung, Mỹ - EU và sự suy giảm kinh tế toàn cầu, đầu tư nước ngoài vào ASEAN vẫn tăng trưởng 5,3% vào năm 2018. Đây chính là cơ hội để ASEAN phát huy vai trò trung tâm của mình, kiến tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển bền vững của từng nước và của cả khu vực.

Trong bối cảnh đó, là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục chương trình nghị sự của Thái Lan về phát triển bền vững, tiếp tục duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác của khu vực, chú trọng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…Bên cạnh đó, năm 2020 là năm rất quan trọng đối với tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020 đồng thời thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam sẽ có cơ sở để thúc đẩy và xây dựng cách tiếp cận phù hợp cho các cuộc đàm phán COC giữa Trung Quốc và ASEAN, tìm tiếng nói chung, xây dựng sự đồng thuận trong khối.

Ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao, Phó Tổng thư ký Ủy ban quốc gia ASEAN 2020, khẳng định: "Hiện là thời điểm để ASEAN hướng về phía trước. Việt Nam đảm nhận Chủ tịch ASEAN 2020 đúng thời điểm 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Không chỉ là cơ hội của Việt Nam thúc đẩy xây dựng Cộng đồng vững mạnh hơn mà đây còn là trách nhiệm để dẫn dắt ASEAN không những vững mạnh về mặt nội bộ, mà còn phải tăng thêm uy tín, vai trò ở khu vực cũng như đóng góp vào tiến trình, sự quan tâm của toàn cầu".

Trách nhiệm và cơ hội song hành

Trong suốt gần 25 năm qua kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm và tới nay đã là một thành viên chủ chốt. Việt Nam đã từng thành công với Năm Chủ tịch ASEAN 2020 trong tất cả các lĩnh vực, được các nước thành viên và đối tác đánh giá cao. Việt Nam có vị trí ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, góp phần nâng cao uy tín của ASEAN. Chính vì vậy, ở lần thứ hai đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN, các nước thành viên đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò lãnh đạo của Việt Nam.

Ông Lim Jock Hoi, Tổng thư ký ASEAN, khẳng định: "Việt Nam phát triển rất nhanh trong vòng 15 năm trở lại đây, đặc biệt là trong tăng trưởng kinh tế, trở thành một trong những quốc gia mạnh về kinh tế của khu vực. Ban thư ký ASEAN sẽ làm việc chặt chẽ với Việt Nam trong năm tới. Tôi rất mong chờ năm chủ tịch của Việt Nam. Đây sẽ là năm quan trọng cho Việt Nam và cho ASEAN trong tiến trình hội nhập thế giới".

Đến năm 2020, ASEAN đi được nửa chặng đường triển khai các kế hoạch tổng thể về xây dựng Cộng đồng ASEAN (2025). Do đó, việc tổ chức thành công năm Chủ tịch ASEAN 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nhìn lại, đánh giá những gì đã làm được theo kế hoạch và định hướng chính xác những gì cần phải làm trong thời gian tới để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Công đồng ASEAN vào năm 2025. Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận chức vụ Chủ tịch ASEAN.

Năm 2010, Việt Nam đã hoàn thành tốt vị trí này, ghi dấu bước trưởng thành vượt bậc của Việt Nam trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế. Với những kinh nghiệm đã có và sự phát triển trong những năm gần đây cùng những kế hoạc được chuẩn bị kĩ càng, chắc chắn Việt Nam sẽ đáp ứng tốt sự tin tưởng và kỳ vọng của các nước thành viên ASEAN, các đối tác, làm tốt cương vị chủ tịch ASEAN năm 2020.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác