Hà Nội dẫn đầu cả nước trong xây dựng chuỗi liên kết hàng nông sản

(VOV5) - Sau 5 năm thực hiện, ngành nông nghiệp Hà Nội luôn là điểm sáng, dẫn đầu cả nước trong xây dựng chuỗi liên kết hàng nông sản.

Trung tâm phát triển nông nghiệp Hà Nội là đơn vị triển khai các hoạt động thuộc Dự án chuỗi giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2020. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Dự án chuỗi giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch phát triển nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2019-2020 gồm 4 dự án, kế hoạch. Đó là kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica; kế hoạch phát triển bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội; dự án chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm và dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao.

Hà Nội dẫn đầu cả nước trong xây dựng chuỗi liên kết hàng nông sản - ảnh 1Gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu Hà Nội. - Ảnh: Ngọc Anh

Tới nay, Hà Nội hình thành từ 3 chuỗi liên kết giá trị gạo Japonica (một loại gạo hữu cơ, năng xuất và chất lượng cao hơn các loại gạo khác). Tại một số huyện, diện tích sản xuất lúa Japonica đã tăng mạnh như: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Sóc Sơn...  Đến hết năm 2020, Hà Nội xây dựng 15 vùng sản xuất bưởi đỏ Tân Lạc và các giống bưởi đặc sản Hà Nội theo chuỗi giá trị, quy mô 500ha; hoàn thiện 11 chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm. Năm 2020, các chuỗi chăn nuôi cung cấp cho thị trường Hà Nội 14 tấn thịt lợn/ngày; 6,5 tấn thịt gia cầm/ngày; 105 tấn sữa/ngày; 1 tấn thịt bò/ngày.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cho biết: “Năm 2020 đã xây dựng và phát triển được 2 chuỗi sản xuất-tiêu thụ sản phẩm là Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú với Công ty cổ phần Green Path Việt Nam và Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết. Xây dựng được 2 nhãn hiệu tập thể gồm “Gạo Japonica hữu cơ Nam Phương Tiến” và “Gạo Japonica Mỹ Thành”. Trong 2 năm 2019, 2020 đã phát triển được phát triển được 123 ha bưởi các loại ở 6 huyện. Hà Nội đẩy mạnh liên kết 6 nhà, nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng và nhà phân phối. Giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, thành phố Hà Nội sẽ có Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp gắn với chương trình phát triển nông thôn mới và có cơ chế chính sách đặc thù để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.”

Việc triển khai các dự án chuỗi giúp nâng cao nhận thức cho nông dân về giảm sử dụng phân bón hóa học, hóa chất (các loại thuốc sâu, thuốc diệt cỏ độc hại) trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, thay đổi thói quen canh tác cũ, cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ tài nguyên đất, nước. Huyện Phúc Thọ là một trong những huyện điển hình ở Hà Nội về việc triển khai các dự án chuỗi.

Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ, cho biết: “Phúc Thọ được quy hoạch thành một huyện nông nghiệp vành đai xanh của Thủ đô. Huyện từng bước tạo ra các vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Bước đầu hình thành được 8 chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản, các chuỗi sản phẩm đã được tham gia hệ thống sản phẩm truy xuất nguồn gốc nông sản và đăng ký nhãn hiệu. Đó là Bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam, rau an toàn Thanh Đa, rau an toàn Xuân Phú, cà dầm tương - tương nếp Tam Điệp, thịt lợn sinh học… Đến nay, huyện đã chuyển đổi cây trồng được 1558 ha. 1 ha chuyển đổi hiện nay so với trước đây hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2 - 10 lần, cá biệt có mô hình trồng hoa Ly ở xã Tam Thuấn cho hiệu quả kinh tế cao gấp 20 lần so với trồng lúa trước đây.”

Hà Nội dẫn đầu cả nước trong xây dựng chuỗi liên kết hàng nông sản - ảnh 2Bưởi Diễn đạt Giấy chứng nhận VietGap. Ảnh: Ngọc Anh

Năm 2020, nông nghiệp là trụ đỡ, nền tảng của nền kinh tế Việt Nam. Nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 2,68%, xuất khẩu 41,2 tỷ USD. Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp quan trọng của ngành nông nghiệp Hà Nội. 4 dự án chuỗi nông sản Hà Nội thiết lập được hệ thống các cửa hàng phân phối, cửa hàng tiện tích, sản lượng tại các chuỗi đã tăng trên 10% so với trước khi tham gia dự án. Nhờ các chuỗi hoạt động hiệu quả, Hà Nội trở thành là nơi cung cấp con giống, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ và tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nhiều địa phương trong cả nước.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng:“Bốn chuỗi lúa gạo, bưởi đỏ Tân Lạc, chăn nuôi bò, sản phẩm chăn nuôi, Hà Nội làm rất bài bản, từ tổ chức sản xuất, tập huấn, chuẩn bị con giống, cây giống, giống lúa, cơ giới hóa, chế biến… sản phẩm đồng đều, đồng bộ, đạt các tiêu chí. Hà Nội cần tiếp tục duy trì, phát triển 4 chuỗi này, đồng thời mở thêm nhiều chuỗi nữa, quy mô, chất lượng hơn. Hà Nội đã phối hợp với 21 tỉnh trong liên kết chuỗi, bây giờ cần hợp tác với nhiều tỉnh nữa, thì ngành nông nghiệp mới tiên tiến, hiện đại.”

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa chuyên canh tập trung; chế biến, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, tăng cường hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại, khuyến khích phát triển nông nghiệp theo chuỗi liên kết. Các dự án chuỗi giai đoạn 2016 - 2020 ở Hà Nội là tiền đề giúp Hà Nội hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp nhanh và bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác