Làng văn hóa Nùng An trên đất Tây Nguyên

(VOV5) - Những ngôi nhà sàn lấp ló giữa vườn cà phê xanh mướt ở làng Quảng Hòa, xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Ðắk Lắk, cho thấy nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Nùng ở nơi đây.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Làng Quảng Hòa (thôn Tam Điền, xã Ea Tam, huyện Krông Năng) có 100% dân số là người Nùng An (nhóm người thuộc dân tộc Nùng) di cư từ tỉnh Cao Bằng vào Đắk Lắk lập nghiệp. Sau hơn 35 năm kể từ năm 1986, đời sống của người dân nơi đây đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, trải qua bao thăng trầm nhưng bà con vẫn gìn giữ được những nét văn hóa của dân tộc mình.

Thôn Tam Điền nằm cách trung tâm xã Ea Tam khoảng 4 km, có hơn 100 hộ sinh sống. Trong đó, làng Quảng Hòa nằm gọn trong một thung lũng, lẩn khuất giữa cánh đồng cà phê, cao su xanh bạt ngàn.

Làng văn hóa Nùng An trên đất Tây Nguyên - ảnh 1Những ngôi nhà sàn ở làng Quảng Hòa, xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Ðắk Lắk. Ảnh: VOV

Giữa những vườn cà phê xanh mướt, ngôi nhà sàn của ông Nông Văn Minh, ở làng Quảng Hòa, nổi bật bởi màu đỏ tươi của mái ngói mới. Ông phấn khởi chia sẻ: mọi kiến trúc và bài trí trong nhà đều theo phong tục truyền thống của người Nùng. Gia đình ông từ Cao Bằng vào Đăk Lăk định cư từ năm 1987. Trên vùng quê mới, khí hậu thổ nhưỡng phù hợp nhiều loại cây trồng, chịu khó làm ăn nên kinh tế ngày càng khấm khá: "Vào đây làm ăn thì kinh tế phát triển hơn ở quê. Gia đình tôi và cả xóm đây cũng khá giả hơn nhiều. Bản thân tôi cũng lưu giữ phong tục, tập quán của người Nùng An cho con cháu. Đó là phải đội mũ, nón hay mặc trang phục truyền thống. Ở nhà sàn trên này thì thoáng mát hơn. Đó là phong tục tập quán, mình không bỏ được. Tôi cũng mong các thế hệ sau này giữ được nét đó."

Theo anh Hoàng Đình Tân, Bí thư chi bộ thôn Tam Điền, làng Quảng Hòa hiện nay có gần 60 hộ thì có hơn 58 ngôi nhà sàn truyền thống. Những ngôi nhà đều do chính tay bà con trong làng phụ nhau dựng lên theo kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Nùng An, như: nhà dựng 5 gian, cầu thang được đặt ở đầu hồi bên trái, làm bằng gỗ.

Anh Tân cho hay theo quan niệm của người Nùng, số bậc thang lên xuống bao giờ cũng lẻ, để gia đình may mắn, làm ăn thuận lợi. Bếp lửa đặt ngay ở gian chính của ngôi nhà. Bếp lửa không chỉ đơn thuần dùng để nấu ăn, sưởi ấm mà từ xa xưa, trong tâm thức của người Nùng, bếp lửa còn là vị thần mang đến điều may mắn: "Bà con vẫn giữ được nét văn hóa, bản sắc dân tộc trong việc cưới hỏi, rồi việc tang lễ. Giao lưu văn hóa văn nghệ thì vẫn giữ được bản sắc. Hiện tại, các lớp trẻ rồi các con cháu nói chung ai cũng biết nói tiếng dân tộc mình. Trong xóm cũng lưu giữ khá tốt nhà sàn, cả thôn bây giờ chỉ có hai cái nhà xây thôi, còn lại tất cả đều nhà sàn hết."

Làng văn hóa Nùng An trên đất Tây Nguyên - ảnh 2Ngôi nhà sàn còn giữ nguyên nét kiến trúc của người Nùng.Ảnh: VOV

Toàn xã Ea Tam hiện có 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Tày – Nùng chiếm gần 90%. Thời gian qua, xã luôn chú trọng phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Đặc biệt, làng Quảng Hòa vẫn còn giữ gìn những nếp nhà sàn, nghề dệt vải chàm của người Nùng và đang khôi phục văn hóa dân gian hát lượn, hát giao duyên. Đây là không gian văn hóa truyền thống đặc sắc, tạo điểm nhấn để địa phương tiến tới phát triển du lịch cộng đồng.

Bà La Bế Thủy Trang, Phó chủ tịch UBND xã Ea Tam, cho biết gia đình nào trong xã cũng có vài ha đất, trồng cà phê và nhiều loại cây có giá trị như sầu riêng, mắc ca, bơ. Kinh tế phát triển, người dân tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới. Đây là điều thuận lợi để bà con giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng: "Ngoài việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thì nhân dân ở trong làng Quảng Hòa cũng cùng nhau phấn đấu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Cơ bản trong làng Quảng Hòa, nhà cửa đều khang trang, ổn định, có nhiều hộ cũng có điều kiện kinh tế phát triển rất tốt, hộ nghèo chiếm tỷ lệ rất nhỏ."

Những ngôi nhà sàn lấp ló giữa vườn cà phê xanh mướt ở làng Quảng Hòa, xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Ðắk Lắk, cho thấy nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Nùng ở nơi đây.

Sau hơn 35 năm xây dựng, những nếp nhà ấy vẫn vẹn nguyên bản sắc, được người Nùng xem là “báu vật” tiếp tục gìn giữ và phát triển trên vùng quê mới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác