Sức sống từ một bản lâu đời của người Mông ở Sa Pa

Sức sống từ một bản lâu đời của người Mông ở Sa Pa - ảnh 1
Thác nước Cát Cát

(VOV5) - Làng Cát Cát là một địa điểm dừng chân không thể bỏ qua của nhiều du khách khi đến với Sa Pa, tỉnh Lào Cai, không chỉ bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn bởi những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân bản địa, mà ở đây là người dân tộc Mông. 

Nhấn vào đây để nghe âm thanh của bài viết:


Từ trung tâm thị xã, xuyên qua khu chợ văn hóa Sa Pa, đi bộ chừng 2 cây số là đến làng Cát Cát. Trên đường, một bên là núi rừng, thông mọc xanh um, một bên xa xa là những thửa ruộng bậc thang, nét đặc trưng không trộn lẫn của vùng miền núi. Hai bên đường thỉnh thoảng điểm xuyết bằng vài ngôi nhà nép mình bên bóng núi. Bản Cát Cát hiện ra trước mắt bằng một chiếc cổng ghép bằng mấy thân tre, trên đó treo biển hiệu ghi tên Cát Cát, Sa Pa.

Sức sống từ một bản lâu đời của người Mông ở Sa Pa - ảnh 2
Đường vào bản Cát Cát

Điểm giống nhau rõ nhất giữa ngôi làng ở đây với nhiều ngôi làng ở miền xuôi là đường làng đều nhỏ hẹp, uốn lượn. Sau khi qua cổng, men xuống các bậc thang đường làng, điểm đập vào du khách đầu tiên là một loạt quầy bán hàng lưu niệm gắn với nghề thủ công truyền thống do người dân tự mở. Đây là bản lâu đời của người Mông, nên nghề truyền thống nơi đây cũng có một sức sống lâu bền. Nghề dệt thổ cẩm nhiều màu sắc và hoa văn là một ví dụ. Vào hỏi thăm một nhà ngay sát đường làng, gặp chị Thào Thị Si, 27 tuổi, đang ngồi cặm cụi làm chiếc thắt lưng, một phụ kiện của bộ trang phục người Mông. Chị nói: " Người Mông làm cái này thì có áo mặc, mỗi năm làm được hai bộ thôi ạ. Làm lâu lắm".

Còn bà Vàng Thị Tùng, cũng đang cầm thoi dệt thổ cẩm, trên một chiếc khung dệt khổ nhỏ cũ kỹ, do chồng làm lấy, đã có hơn ba chục năm say với nghề dệt vải, bộc bạch “không biết tại sao thích nghề này, chỉ biết làm thôi”: "Dệt vải để may áo cho bé con. Áo đi làm và áo đi chơi. Dệt cũng khó. Bố mẹ dạy mới biết làm. Một tuần là biết làm. Làm ra không bán, chỉ để mặc thôi".

Ở bản Cát Cát có một khu giới thiệu và bán sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Khu trưng bày không nổi bật, hoành tráng như các nơi khác mà được dựng lên đơn sơ bằng những thanh gỗ, ống tre, giằng lại với nhau mà thành.

Sức sống từ một bản lâu đời của người Mông ở Sa Pa - ảnh 3
Khu trưng bày của làng Cát Cát

Không gian tuy không lớn nhưng cũng thể hiện rõ bàn tay khéo léo của những người phụ nữ miền núi qua một số bộ trang phục dân tộc treo dọc lối vào hay những bức thêu thủ công treo ngay ngắn bên vách, trên các xà gồ giữa gian trưng bày. Ở đây còn có cả 3, 4 khung dệt trình diễn cho du khách. Ngoài ra, điêu khắc đá cũng là một nghề đã tồn tại từ nhiều đời, nay mang lại thu nhập đáng kể cho nhiều người dân nơi đây. Cậu thanh niên tên Pao đã làm nghề này được vài năm rồi, chia sẻ: "Làm nghề này chắc chắn là khó. Em đã cắt được nhiều hình ví dụ như người Mông. Em làm nghề này được ba năm. Thật ra thích thì em làm. Càng khó càng thấy hay".

Ngoài nghề dệt, nghề chạm khắc đá, làng còn có nghề chạm bạc truyền thống, độc đáo. Làm bằng thủ công nhưng nghề chế tác đồ trang sức bằng bạc, đồng của làng đã tạo ra những sản phẩm khá tinh xảo. Chủ yếu là đồ trang sức như vòng tay, vòng cổ, nhẫn, dây xà tích… Cô bạn đi bên cạnh tôi ưng ý với một chiếc vòng tay nhỏ xinh, nói: sẽ làm quà tặng cho đứa con gái bé bỏng 3 tuổi. Chiếc vòng dẹt làm bằng bạc. Trên bề mặt khắc họa nhiều bông hoa xinh xinh, thanh thoát. Hai chiếc xích nhỏ đục lỗ treo hai bên, để phù hợp với độ rộng của vòng tay đang độ tuổi lớn của trẻ. Quy trình chế tác bạc của người dân tộc Mông  không hề đơn giản, mà phải trải qua một số công đoạn như nấu cho bạc nóng lên, nung chảy, đổ vào máng, chờ bạc nguội thì lấy ra dùng búa đập, rèn theo kích cỡ như ý muốn. Sau đó, người thợ bắt đầu trang trí bằng cách dùng đinh để chạm khắc, tạo hoa văn.

Làng Cát Cát cùng với bản Dền, Na-rin ở Sa Pa đã mang dáng dấp của mô hình làng du lịch văn hóa. Đường làng sạch sẽ. Nhà cửa mang đậm bản sắc đặc trưng văn hóa của làng người Mông. Trước khi rời Cát Cát, du khách còn có dịp đi qua một cây cầu treo nhỏ cong cong bắc qua dòng suối. Một khung cảnh thơ mộng, lãng mạn mở ra trước mắt với không gian trùng điệp của núi rừng, mát rượi của các thác nước trắng xóa đổ từ trên rừng xuống.

Sức sống từ một bản lâu đời của người Mông ở Sa Pa - ảnh 4
Vui đùa bên dòng suối mát

McKenzie Nagle, một thanh niên Mỹ du ngoạn đến làng Cát Cát bày tỏ: "Tôi đã đi thăm Thái Lan và Mianma. Nhưng Việt Nam thì tôi không biết nhiều. Cho nên tôi đã đến đây, có một cuộc hành trình đến Sa Pa. Tôi thật sự rất thú vị. Cảnh ở đây thật đẹp. Tôi rất thích khung cảnh nơi này. Tôi yêu Việt Nam".

Bước chân trên con đường đá phẳng phiu, trong tiếng nước reo róc rách dưới suối, rời bản. Nghe đâu đây tiếng đàn môi sâu lắng, tiếng sáo Mông trầm bổng. Chính những nét văn hóa truyền thống này sẽ góp phần hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến với bản người Mông./.

Lan Phương

Phản hồi

Các tin/bài khác