UNESCO đồng hành cùng Thừa Thiên-Huế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống

(VOV5) -  Tổng Giám đốc Tổ chức UNESCO Audrey Azoulay,  mong muốn công tác phục dựng, phát huy và bảo tồn di sản Huế phải được thường xuyên diễn ra để quần thể di sản luôn trong tình trạng tốt nhất.

Ngày 07/09, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) bà Audrey Azoulay đến tham quan Quần thể Di tích Cố đô Huế và có cuộc gặp với Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương. Lần đầu tiên đến với Cố đô Huế, bà Audrey Azoulay đánh giá cao những nỗ lực mà tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong nhiều năm qua đã giữ gìn, phát huy những giá trị di sản vật thể và phi vật thể quý báu của dân tộc Việt Nam.

UNESCO đồng hành cùng Thừa Thiên-Huế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống - ảnh 1Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế tại khu vực Ngọ Môn. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Nhấn mạnh Quần thể Di tích Cố đô Huế là Di sản Văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam được vinh danh sau khi gia nhập UNESCO, bà Audrey Azoulay mong muốn công tác phục dựng, phát huy và bảo tồn di sản Huế phải được thường xuyên diễn ra, qua nhiều thế hệ để quần thể di sản này luôn trong tình trạng tốt nhất; khẳng định UNESCO sẽ đồng hành cùng với tỉnh Thừa Thiên - Huế trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản hóa truyền thống.

Trao đổi với lãnh đạo UNESCO, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương cho biết thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên – Huế luôn xác định xây dựng và phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Ông Nguyễn Văn Phương mong muốn nhận được sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa từ phía UNESCO trong công cuộc bảo tồn, gìn giữ giá trị di sản văn hóa của vùng đất Cố đô trong thời gian tới.

Sau gần 30 năm, kể từ khi Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, trong lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, đã có gần 200 công trình và hạng mục công trình được tu bổ, phục hồi, tôn tạo với quy trình tuân thủ nghiêm Công ước quốc tế về bảo tồn di tích, Luật Di sản Văn hóa và các Quy chế bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác