(VOV5) - Thành phố Buôn Ma Thuột có diện tích hơn 370 km2, dân số hơn 500.000 người, thuộc các dân tộc Kinh, Ê Đê, K’Ho, Cơ Tu, Xơ Đăng, Gia Rai...
Thành phố Buôn Ma Thuột có diện tích hơn 370 km2, dân số hơn 500.000 người, thuộc các dân tộc Kinh, Ê Đê, K’Ho, Cơ Tu, Xơ Đăng, Gia Rai... Đây là thành phố lớn nhất ở vùng Tây Nguyên và là đô thị miền núi có dân số lớn nhất Việt Nam. Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Buôn Ma Thuột, thủ phủ của tỉnh Đăk Lăk sẽ trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong 10 năm qua (giai đoạn 2010 - 2020), hàng ngàn tỷ đồng đã được đầu tư cho thành phố Buôn Ma Thuột. Nhiều dự án lớn đã hoàn thành như nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, tuyến đường Hồ Chí Minh, xây dựng Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên… góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng cũng như vùng Tây Nguyên nói chung. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế của Buôn Ma Thuột bình quân hàng năm đạt trên 13%, mức cao so với các địa phương khác trong cả nước.
Buôn Akô Dhông được đánh giá là buôn làng giàu đẹp bậc nhất của Tây Nguyên. Ảnh: VOV |
Thành phố Buôn Ma Thuột đã hình thành cụm công nghiệp Tân An, Khu công nghiệp Hòa Phú làm đầu tàu phát triển công nghiệp. Gần 60 dự án phát triển đô thị đã và đang triển khai, với một loạt trường học, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa mang tầm cỡ khu vực Tây Nguyên. Ông Từ Thái Giang, Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột, khẳng định: “Kết quả trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội của thành phố vừa toàn diện vừa có những điểm mới và nổi bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng cao và dần ổn định, thu nhập bình quân đầu người thì ngày càng được nâng cao. Đặc biệt là ngành công nghiệp được mở rộng; nông nghiệp thì đến nay thành phố đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 1, từ thương mại dịch vụ, du lịch cho đến các dịch vụ tài chính ngân hàng bảo hiểm cũng được mở rộng và nâng cao.”
Ngay giữa lòng thành phố Buôn Ma Thuột mang dáng dấp của đô thị hiện đại có một không gian đặc biệt yên bình. Đó là buôn Akô Dhông của người Êđê. Là một trong 3 buôn thực hiện điểm theo Nghị quyết của Thành ủy Buôn Ma Thuột về phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, buôn Akô Dhông từ ngày làm du lịch, đời sống của bà con khấm khá hẳn lên.
Đường sách - cà phê Buôn Ma Thuột. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Nghệ nhân, già làng Ama Loan, buôn Akô Dhông, cho biết điều mừng nhất là kinh tế phát triển, bà con vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc: “Nào là cồng chiêng, nào là nhạc cụ, nào là dệt thổ cẩm…, thì tất cả những gì bà con mình biết được là mình cố gắng làm. Như là từ cái tre cái nứa thành nhạc cụ, từ mảnh đất thành những vườn cà phê hồ tiêu, cho đời sống khá giả. Rồi nhà nước làm cho cả con đường, cả trường học, cả nhà cộng đồng…, thì lại càng tuyệt vời. Đời sống người dân bây giờ phải nói là đi lên, rất là tốt.”
Tỉnh Đăk Lăk có cơ chế đặc thù riêng để xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột trên cơ sở khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí là trung tâm vùng và đầu mối giao thương, hợp tác trong khu vực tam giác Việt Nam - Lào - Campuchia. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên, đồng thời sẽ đầu tư lên quy mô cấp vùng một số lĩnh vực như du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; đầu tư xây dựng đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng); đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên).
Ông Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Đăk Lăk, cho biết: “Khi kế hoạch thông qua chúng ta sẽ thấy tổng thể toàn cảnh, còn hiện nay những việc trước mắt cần phải làm thì phải làm ngay. Ví dụ như vấn đề quy hoạch đã báo cáo để đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được thuê tư vấn nước ngoài, hay đường cao tốc thì đã bắt đầu cho định tuyến và xây dựng đề án khả thi cũng như là đề nghị Trung ương đưa vào quy hoạch hệ thống mạng lưới cao tốc của đất nước. Rồi vấn đề liên quan đến phát triển một số lĩnh vực thì đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Chúng tôi đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy Buôn Ma Thuột xứng đáng là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.”
Với quyết tâm mạnh mẽ và những giải pháp mạnh mẽ, trong thời gian tới, thành phố Buôn Ma Thuột, sẽ thực sự vươn mình, xứng đáng là thủ phủ trung tâm vùng Tây Nguyên. Thành phố Buôn Ma Thuột sẽ ngày càng phát triển, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên.