Danh lục Xanh các Khu bảo vệ và bảo tồn tại Việt Nam

(VOV5) -Danh lục Xanh IUCN là một bộ tiêu chuẩn toàn cầu về bảo tồn thành công, có thể điều chỉnh phù hợp với bối cảnh địa phương của mọi quốc gia và khu vực

Ngày 27/3, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp với Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam (VNPPA) tổ chức Hội thảo về “Danh lục xanh các Khu bảo vệ và bảo tồn (GLPCA) tại Việt Nam” tại Ninh Bình.         

Danh lục Xanh IUCN là một bộ tiêu chuẩn toàn cầu về bảo tồn thành công, có thể điều chỉnh phù hợp với bối cảnh địa phương của mọi quốc gia và khu vực; cam kết tự nguyện mà bất cứ loại hình khu bảo vệ nào cũng có thể tham gia; quy trình đánh giá được đảm bảo độc lập, có độ tin cậy cao. Đồng thời, đây cũng là sự thừa nhận toàn cầu đối với các khu bảo vệ và cán bộ các khu bảo vệ.

Danh lục Xanh các Khu bảo vệ và bảo tồn tại Việt Nam - ảnh 1Khu bảo tồn Đất ngập nước Vân Long đã đăng ký tham gia Chương trình Danh lục Xanh
- Ảnh Tainguyen&Moitruong.vn

Đồng trưởng nhóm, chuyên gia quốc gia đánh giá Danh lục Xanh (EAGL) Nguyễn Mạnh Hà cho biết: Việt Nam đã tham gia vào Chương trình Danh lục Xanh IUCN từ năm 2016 sau khi Vụ Bảo tồn Thiên nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chính thức ủng hộ bộ tiêu chuẩn. Đến nay, 4 khu bảo vệ đã đăng ký tham gia chương trình gồm: Khu Bảo tồn Đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình), Vườn Quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Vườn Quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) và Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An).

Để quản trị hiệu quả và công bằng các Khu Danh lục Xanh, các đại biểu có các đề xuất, như cần có thêm các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học nằm ngoài hệ thống các khu bảo tồn chính thức của Nhà nước, như các khu rừng thiêng do cộng đồng người dân quản lý, bảo vệ và các sáng kiến lâm nghiệp cộng đồng hiệu quả khác. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ và đánh giá tiến độ các nhà quản lý, nhân viên, đối tác của các khu bảo tồn thực hiện các mục tiêu bảo tồn kết hợp với các mục đích xã hội và kinh tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác