Ứng dụng công nghệ cao để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

(VOV5) - Nhiều công nghệ mới tiên tiến đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả trong các ngành y tế, viễn thông, giao thông. 
Ứng dụng công nghệ cao để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội - ảnh 1Quang cảnh phiên họp sáng 7/6 - Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Tiếp tục hoạt động giám sát của Quốc hội khóa XV, sáng nay (7/6), tại Nhà Quốc hội, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 5 tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Hơn 120 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng, là số lượng đại biểu đăng ký chất vấn nhiều nhất trong hơn 1 ngày qua. Các vấn đề chất vấn xoay quanh giải pháp bứt phá công nghệ, sự phát triển của thị trường công nghệ Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết trong thời gian qua, nhiều công nghệ mới tiên tiến đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả trong các ngành y tế, viễn thông, giao thông. Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. 

Để phát huy lợi thế này, Bộ khoa học và công nghệ đã có giải pháp để thu hút thêm nguồn lực cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Theo đó, Bộ đã phê duyệt 19 chương trình khoa học và công nghệ với mục tiêu, yêu cầu, dự kiến sản phẩm cụ thể. Đây là cơ sở để hình thành khung số lượng, tầng ngân sách nhà nước bố trí cho các nhiệm vụ khoa học. Ngoài ra, Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy chương trình tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ nước ngoài vào Việt Nam. 

Muốn bứt phá trong phát triển khoa học công nghệ, theo Bộ trưởng, một trong những yếu tố cốt lõi là phải thu hút được người tài. Bộ trưởng cho biết đây là điều trăn trở lớn, bởi nhiều khó khăn do quy định của pháp luật về công chức, viên chức, tài chính: "Vừa qua, triển khai Nghị quyết 27 về xây dựng đội ngũ trí thức, Bộ được giao xây dựng đề án. Đây là nhiệm vụ khó khăn, nhưng Bộ sẽ cố gắng để đề án thu hút được những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về làm việc một cách hiệu quả nhất".

Song song với việc thu hút nhân tài, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh việc tạo môi trường sáng tạo khoa học. Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đã được thành lập tại Hòa Lạc, Hà Nội.

Qua khảo sát thực tế, Trung tâm có nhiều mô hình, cách làm đáng học tập để triển khai, lan tỏa ra các trung tâm ở các địa phương. Bộ trưởng cho biết: "Bộ đã xây dựng, hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM, dự kiến trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7 sẽ ban hành các quyết định thành lập 3 trung tâm này. Các trung tâm này được lập với mục tiêu khai thác nguồn lực địa phương dành cho đổi mới sáng tạo, hướng tới áp dụng các mô hình thử nghiệm chính sách trong các lĩnh vực mới chưa có quy định nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo, làm cơ sở để đúc kết kinh nghiệm, nhân rộng hoặc điều chỉnh kịp thời các chính sách, mô hình triển khai trên phạm vi quốc gia". 

Ngoài ra, hiện nay, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cũng đang được đẩy mạnh. Thống kê cho thấy nhiều tập đoàn của Việt Nam đã ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cho phát triển (Lộc Trời, TH True Milk...); khoảng 200 doanh nghiệp đang ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, gần 2.000 hợp tác xã ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao…
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác