(VOV5) - Đây có thể xem là tín hiệu tích cực, giảm bớt các lo ngại về một kịch bản leo thang căng thẳng mới giữa Mỹ và Israel với Iran trong thời gian tới.
Diễn ra từ 13 đến 16/05, chuyến công du 3 nước Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump được đánh giá là thành công khi mang về cho nước Mỹ những hợp đồng kinh tế lên tới hàng ngàn tỷ USD, đồng thời gia tăng ảnh hưởng địa chính trị của Mỹ tại khu vực sau một thời gian suy giảm.
Tổng thống Mỹ, Donald Trump thực hiện chuyến thăm đến 3 quốc gia Trung Đông, gồm: Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), từ ngày 13 đến 16/05. Đây là chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên của ông Donald Trump trong nhiệm kỳ 2 trên cương vị Tổng thống Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan tại cuộc gặp ở Abu Dhabi ngày 15/5/2025. Ảnh: TTXVN phát |
Cơn mưa hợp đồng
Chuyến thăm Trung Đông 4 ngày của ông Donald Trump là một thắng lợi lớn về mặt kinh tế, khi Tổng thống Mỹ mang về cho nước Mỹ các hợp đồng và cam kết đầu tư lâu dài trị giá hàng ngàn tỷ USD. Tại Saudi Arabia, điểm dừng chân đầu tiên của chuyến công du, Tổng thống Mỹ và các lãnh đạo chủ nhà đã đã ký các thỏa thuận trị giá hơn 300 tỷ USD, đồng thời Saudi Arabia cũng cam kết đầu tư 600 tỷ USD vào nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trước đó, ngay trong ngày đầu tiên đến Saudi Arabia, ông Donald Trump và Thái tử Mohammed Bin Salman đã ký Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế chiến lược giữa Mỹ và Saudi Arabia. Hiệp định bao gồm các biên bản ghi nhớ (MoU) và thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, khai khoáng và quốc phòng, trong đó có gói thỏa thuận hợp tác quốc phòng trị giá gần 142 tỷ USD tập trung vào việc hiện đại hóa năng lực của các lực lượng vũ trang Saudi Arabia.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman Al Saud (thứ 3, phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 2, trái) tại cuộc gặp ở Riyadh, ngày 13/5/2025. Ảnh: TTXVN phát |
Tại Qatar, các cam kết kinh tế mà ông Donald Trump đạt được còn lớn hơn khi Quốc vương Qatar, Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani cùng Tổng thống Mỹ đạt được những cam kết lên tới 1.200 tỷ USD. Đáng chú ý nhất là thỏa thuận lịch sử giữa hãng hàng không Qatar Airways với nhà sản xuất Boeing của Mỹ. Theo đó, Qatar Airways đặt mua 210 máy bay thân rộng, thiết lập kỷ lục mới là đơn hàng máy bay lớn nhất trong lịch sử của Boeing. Tổng thống Donald Trump cho biết tổng giá trị thỏa thuận là hơn 200 tỷ USD, trong đó 160 tỷ USD riêng cho máy bay. Tại UAE, các thỏa thuận kinh tế mà ông Donald Trump ký kết với lãnh đạo nước này cũng rất ấn tượng. Cụ thể, hai bên đã ký một loạt các thỏa thuận về hợp tác quốc phòng, năng lượng, công nghệ và đặc biệt là tái khẳng định cam kết được UAE đưa ra hồi tháng 3 vừa qua là sẽ đầu tư tới 1.400 tỷ USD vào Mỹ trong 10 năm tới.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Mỹ và 3 quốc gia giàu có hàng đầu Trung Đông ký các cam kết kinh tế trị giá hàng ngàn tỷ USD là thắng lợi rõ ràng đối với ông Donald Trump. Về phía các nước Trung Đông, một điểm đáng chú ý là bên cạnh các hợp tác truyền thống về quốc phòng, năng lượng… trong chuyến công du này, chính quyền Mỹ đã gia tăng hợp tác công nghệ với các nước, như việc cung cấp 18.000 chip AI tiên tiến của Nvidia cho Saudi Arabia hay hợp tác trí tuệ nhân tạo (AI) và 5G với UAE. Chuyên gia tư vấn kinh doanh và chính sách Imad Al-Abdulqader của tập đoàn DGA ở Ryiadh (Saudi Arabia), nhận định đây là thay đổi lớn trong quan điểm của Mỹ về hợp tác với khu vực:
“Các doanh nghiệp và người dân ở khu vực Trung Đông luôn muốn hợp tác kinh doanh nhiều hơn với các công ty Mỹ và các công ty trên khắp thế giới nhưng trước đây luôn cảm thấy rất khó khăn khi muốn có được sự chuyển giao công nghệ thực chất hay các khoản đầu tư thực chất lâu dài từ phía Mỹ”
Điểm cộng ngoại giao
Bên cạnh khía cạnh kinh tế, chuyến công du của ông Donald Trump đến Saudi Arabia, Qatar và UAE còn gây chú ý bởi các động thái ngoại giao quan trọng. Tại Saudi Arabia, dưới sự trung gian của Thái tử Mohammed Bin Salman, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp nhà lãnh đạo mới của Syria là Admed Al-Sharaa. Đây là lần đầu tiên sau 25 năm lãnh đạo hai quốc gia gặp nhau. Ngay trước thềm cuộc gặp, ông Donald Trump cũng tuyên bố sẽ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt trong nhiều năm qua với Syria, đồng thời khuyến khích Syria thúc đẩy việc bình thường hóa mối quan hệ với nhiều quốc gia láng giềng, trong đó có Israel.
Theo giới quan sát, đây trước hết là một thắng lợi ngoại giao đối với Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước ủng hộ mạnh mẽ giới lãnh đạo mới tại Syria và đang mong muốn thúc đẩy tiến trình tái thiết quốc gia này sau nhiều năm bị xung đột tàn phá. Tuy nhiên, việc Tổng thống Donald Trump đẩy nhanh việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, thậm chí sớm bình thường hóa quan hệ với Syria cũng là điểm cộng cho chính sách đối ngoại của Mỹ tại khu vực Trung Đông, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Mỹ vẫn nhận nhiều chỉ trích vì cách tiếp cận trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas tại Dải Gaza.
Bà Rosemary Kelanic, Giám đốc Chương trình Trung Đông tại Tổ chức Các ưu tiên quốc phòng (DPO, Mỹ), nhận định: “Có các lí do nhân đạo dẫn đến việc các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ, đó là người dân Syria là những người phải chịu đựng hậu quả nặng nề nhất bởi các lệnh trừng phạt này. Vài năm qua, họ còn phải hứng chịu các thảm họa tự nhiên, đặc biệt là trận động đất (đầu năm 2024) và tỷ lệ đói nghèo hiện đặc biệt cao. Do đó, nếu muốn Syria xây dựng trở lại như một quốc gia và không rơi vào một cuộc nội chiến mới thì cần phải gỡ bỏ các lệnh trừng phạt để từ đó hợp tác với dàn lãnh đạo mới của Syria”.
Ngoài vấn đề Syria, trong chuyến công du 3 nước Trung Đông, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã thảo luận với các nhà lãnh đạo khu vực về vấn đề hạt nhân Iran, thỏa thuận ngừng bắn giữa Mỹ và lực lượng Houthi tại Yemen cũng như tầm nhìn của Mỹ đối với việc chấm dứt xung đột tại Gaza. Trong số này, hồ sơ hạt nhân Iran ghi nhận một số động thái đáng chú ý khi Tổng thống Mỹ tái khẳng định ưu tiên giải pháp ngoại giao để đạt thỏa thuận với Iran, đồng thời đề cao vai trò trung gian của Qatar, UAE trong vấn đề này. Đây có thể xem là tín hiệu tích cực, giảm bớt các lo ngại về một kịch bản leo thang căng thẳng mới giữa Mỹ và Israel với Iran trong thời gian tới.