Nhận diện chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc ở Biển Đông

(VOV5) - Chiến thuật "vùng xám" được định nghĩa là hành động gây căng thẳng nhưng dưới mức chiến tranh.

Trong thời gian qua, cụm từ "vùng xám" (grey zone) xuất hiện nhiều trong các phân tích của giới chuyên gia về Biển Đông. Những hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông được chỉ đích danh là có chủ đích rõ ràng, nhằm kiểm soát phần lớn diện tích Biển Đông.

Chiến thuật "vùng xám" được định nghĩa là hành động gây căng thẳng nhưng dưới mức chiến tranh, không tạo cớ cho xung đột xảy ra, để các nước khác không có cớ can thiệp quân sự chính thức. Dưới chiến thuật này, các nước có thể dùng lực lượng quân sự núp bóng các lực lượng dân sự hoạt động. Ngoài ra, còn kết hợp với một số chiến thuật khác như chiến tranh tâm lý, pháp lý, tuyên truyền..., nhằm biến một vùng từ không tranh chấp thành tranh chấp.

Soi chiếu dưới các hành động cụ thể

Từ định nghĩa trên, nếu soi chiếu vào thực tế căng thẳng cùng những hành động ngang ngược trên Biển Đông của Trung Quốc thời gian qua, có thể thấy chiến lược "vùng xám" liên tục được Bắc Kinh áp dụng và điều chỉnh qua từng giai đoạn.

Đầu tiên là chiến lược hoán cải, quân sự hóa các tàu dân sự, tàu cá. Hiện, Trung Quốc có một lực lượng đông đảo các tàu hải giám, tàu ngư chính hiện đại. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy có những thời điểm có tới 200-300 tàu cá Trung Quốc xung quanh bãi đá Xu Bi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là những lực lượng hung hăng nhất trong việc ngăn cản tàu của các quốc gia khác hoạt động hợp pháp trên vùng biển của mình. Nguy hiểm hơn, những tàu này còn có khả năng tấn công, chiếm ưu thế trong tranh chấp trên biển, có thể tiếp cận những khu vực tàu hải quân Trung Quốc không được phép đến, thực hiện những nhiệm vụ mà tàu hải quân không thể thực hiện được trên lãnh hải của nước khác. Các tàu này thậm chí được trang bị pháo 30mm, 76mm, nhưng trong nhiều trường hợp chúng cũng tự biến thành một loại vũ khí bằng hành động đâm, va và chạy cắt ngang các tàu nước ngoài ở khoảng cách gần. Âm mưu thâm độc này đang gây quan ngại cho các nước trong khu vực.

Đương nhiên, theo lý giải của Bắc Kinh thì những vụ đâm tàu trên Biển Đông là các tai nạn hàng hải thông thường giữa những tàu cá với nhau, nhưng việc đặt lực lượng dân quân biển trong bóng tối, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu quốc tế, giúp Bắc Kinh có thể lặp lại các hành động đâm va và quấy rối các tàu nước ngoài mà họ cho là đang hoạt động trong "đường 9 đoạn" nuốt trọn hơn 80% diện tích Biển Đông do họ tự vẽ ra.

Về điều này, có thể lấy ví dụ cụ thể năm 2014, khi Trung Quốc đặt giàn khoan dầu biển sâu Hải Dương-981, trong vùng biển ngoài khơi Việt Nam. Hay Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính và kéo dài tới hơn 3 tháng, từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10/2019. Trung Quốc sử dụng lực lượng dưới mức quân đội, một lực lượng bờ biển, chỉ huy dân quân để cưỡng bức và ngăn chặn việc khoan dầu, quấy rối ngư dân... Toàn bộ chiến thuật này được xây dựng xung quanh ý tưởng không sử dụng lực lượng quân sự.

Thứ hai, các căn cứ quân sự mới phi pháp do Trung Quốc lập ra ở Biển Đông, nhằm tăng cường năng lực kiểm soát thực tế của Bắc Kinh. Cuối cùng, mặt trận thông tin đóng vai trò quan trọng. Đây cũng là một phần của chiến lược vùng xám khi Trung Quốc cố gắng tung ra những bằng chứng lịch sự có lợi cho họ; cử học giả ra nước ngoài để bảo vệ quan điểm chủ quyền hay tăng cường xuất bản các bài viết ủng hộ quan điểm của Trung Quốc.

Tác động tiêu cực đến hòa bình, an ninh trong khu vực.

Một điều chắc chắn rằng các quốc gia và dư luận thế giới từ trước tới nay chưa bao giờ công nhận yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” phi lý và vô căn cứ của Trung Quốc. Mới đây nhất, trong báo cáo “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy tầm nhìn chung” công bố hôm 4/11,  Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định chủ quyền dựa vào bản đồ “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tuyên bố trên Biển Đông là vô căn cứ, phi pháp và bất hợp lý. Căn cứ pháp lý duy nhất mà Trung Quốc viện dẫn để đòi chủ quyền trên Biển Đông cũng bị Tòa trọng tài thường trực (PCA), căn cứ vào UNCLOS 1982, bác bỏ trong phán quyết đưa ra hồi tháng 7/2016 trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines. Tuy nhiên, bất chấp những sự thật hiển nhiên đó, Trung Quốc tiếp tục đòi chủ quyền phi lý và phi pháp để biến những vùng biển hoàn toàn nằm thuộc chủ quyền nước khác và hoàn toàn không có tranh chấp, thành vùng biển có tranh chấp.

Tham vọng độc chiếm Biển Đông đã sinh ra “chiến thuật vùng xám” và việc Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh vượt trội của mình để đạt lợi ích khiến nguy cơ đối đầu, va chạm trên biển gia tăng, tác động tiêu cực đến hòa bình, an ninh trong khu vực. Các quốc gia khu vực và thế giới đều có lợi ích gắn liền với Biển Đông. Do vậy, thúc đẩy trật tự dựa trên luật pháp, nhất là tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế, trong đó đặc biệt là Công ước UNCLOS 1982 cần sự hợp tác đa phương, đặc biệt là ASEAN phải giữ vai trò trung tâm, đoàn kết. Chỉ khi tiếng nói cộng đồng quốc tế thật mạnh mẽ, đồng lòng, lối hành xử đi ngược luật pháp quốc tế ắt sẽ lạc lõng và thất bại.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác