Việt Nam đang làm tốt vai trò thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu

(VOV5) - Việc Việt Nam chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng bền vững hơn, hướng đến nền nông nghiệp xanh là yêu cầu cấp thiết.

Ngày 27/4, Hội nghị lần thứ tư Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững - Mạng lưới Một hành tinh của Liên hợp quốc bế mạc tại Hà Nội, sau 4 ngày họp (24-27/4). Những kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm được đại diện các tổ chức quốc tế đánh giá cao, cho rằng Việt Nam đang làm tốt vai trò thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu.

Việt Nam đang làm tốt vai trò thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu - ảnh 1Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: qdnd.vn

Việt Nam là một trong những quốc gia đạt được các thành tựu lớn về sản xuất nông nghiệp. Từ một nước nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã trở thành một quốc gia tự chủ về lương thực và là một trong những nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Nay, Việt Nam đang tích cực triển khai chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo phát triển bền vững.

Chủ động trong chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm   

Theo Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 biến động lớn, đó là: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam đã rất chủ động trước những biến động này. Việt Nam đã có chiến lược tổng thể trong nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực và từng bước nâng cao đời sống người nông dân. Gần đây nhất, ngày 28/3 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành "Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững đến năm 2030". Kế hoạch nhằm chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm từ sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu dùng minh bạch, trách nhiệm và bền vững; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, đảm bảo môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và tham gia trách nhiệm với thế giới.

Việt Nam đang làm tốt vai trò thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu - ảnh 2Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo Bộ trưởng, để triển khai Kế hoạch này, Việt Nam sẽ đánh giá và hoàn thiện cơ chế, chính sách, các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản xuất, chế biến và tiêu dùng lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, hướng đến nền nông nghiệp xanh.  Việt Nam cũng đang nghiên cứu việc thành lập “Trung tâm Đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm”; xây dựng “Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp”… Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: “Bộ Nông nghiệp đang triển khai Kế hoạch hành động để hiện thực hóa chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, trong đó chúng ta đã đề cập tới xu thế là sẽ trở thành 1 trung tâm về chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm của khu vực. Đó là nền tảng để Việt Nam kêu gọi sự hợp tác của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các định chế tài chính cùng với Việt Nam chuyển đổi nền nông nghiệp phù hợp với xu  thế mới”.

Song song với Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững đến năm 2030, Việt Nam cũng thúc đẩy triển khai cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và hai cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp là: Tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu”; Thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: “Việt Nam đã cam kết đến năm 2050 là “Net – Zero” (giảm phát thải ròng bằng 0) Việt Nam cam kết là nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững, chúng ta tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tham gia vào hệ thống cung ứng lương thực, thực  phẩm toàn cầu. Những thông điệp này sẽ được chuyển hóa bằng những hành động cụ thể, bằng trách nhiệm của người sản xuất, của nông dân và doanh  nghiệp”.

Ngoài kế hoạch trình bày tại Hội nghị, với vai trò là nước chủ nhà, trong 4 ngày họp, Việt Nam đã phối hợp với các nước điều hành 9 phiên họp chính thức, 10 phiên họp kỹ thuật bên lề và một buổi tham quan thực địa nhằm lan tỏa kinh nghiệm chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu.  

Việt Nam đang đi đúng hướng  

Với những định hướng được Việt Nam chia sẻ, bên lề Hội nghị toàn cầu lần thứ tư Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững, đại diện một số tổ chức quốc tế cho rằng Việt Nam đang làm tốt vai trò thúc đẩy trong chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm. Ông Gunther Beger, Giám đốc điều hành Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), đánh giá Việt Nam đã có sự phát triển đáng ghi nhận trong lĩnh vực sản xuất lương thực, thực phẩm, đặc biệt trong chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, quá trình phát triển sản xuất này cũng kéo theo hệ lụy về suy thoái môi trường. Chính vì vậy, việc Việt Nam chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng bền vững hơn, hướng đến nền nông nghiệp xanh là yêu cầu cấp thiết, gợi mở những bước tiến đầu tiên để đảm bảo an ninh lương thực, cũng như sản xuất lương thực không gây tổn hại tới môi trường.

Bà Corinna Hawkes, Giám đốc Hệ thống Thực phẩm và An toàn thực phẩm của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đánh giá, hội nghị do Việt Nam đăng cai đã thể hiện vai trò của Việt Nam trong câu chuyện về chuyển đổi hướng tới bền vững, từ đó Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình với thế giới và ở chiều ngược lại, các quốc gia có thể học hỏi lẫn nhau để thực hiện nỗ lực này.

Việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm đóng vai trò rất quan trọng trong nỗ lực nhằm đạt được tất cả 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030 của Liên hợp quốc. Với những cam kết được đưa ra và những kế hoạch sắp triển khai cùng kết quả của Hội nghị toàn cầu lần thứ tư, Việt Nam càng thể hiện rõ vai trò thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác