NSND Vũ Kim Dung: Giọng thơ ngâm còn mãi

(VOV5) - Giống như người thợ trong tác phẩm của nhà văn Pautovxki, NSND Kim Dung đã chắt chiu từng hạt bụi vàng để đúc nên bông hồng vàng cho riêng mình.

Từ thập niên 70 của thế kỷ trước, giọng ngâm thơ Vũ Kim Dung đã được thính giả biết đến qua sóng phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Một chất giọng đẹp, đầy đặn, sâu lắng, như sinh ra để dành cho ngâm thơ. Ở bất cứ không gian nào, trong điều kiện biểu diễn bình thường hay sang trọng, người nghệ sỹ ấy luôn dồn hết tâm tư tình cảm vào từng tiết mục, như con tằm rút ruột nhả tơ.

Năm 1993, nghệ sỹ Vũ Kim Dung được phong tặng danh hiệu NSUT. Mùa xuân năm 2023, khi đang sống tại Cộng hòa Séc cùng gia đình con gái, bà trở về nước, hạnh phúc đón nhận danh hiệu NSND. Và mùa xuân năm nay, bà ra đi mãi mãi, trong niềm thương tiếc của gia đình và người hâm mộ dành cho người nghệ sỹ “dù còn một hơi thở vẫn còn ngâm thơ”.

Được tin NSND Vũ Kim Dung từ trần, nhiều kiều bào yêu nghệ thuật truyền thống rất bất ngờ. Nhiều khán thính giả trong nước cũng vừa mới đây còn nghe giọng ngâm thơ của bà - một người nghệ sỹ sinh ra từ nhân dân, trưởng thành trong nhân dân, và cả đời phục vụ nhân dân.

NSND Vũ Kim Dung: Giọng thơ ngâm còn mãi - ảnh 1NSND Vũ Kim Dung thuở sinh thời

“Cũng từ nơi bùn nước này, tôi đã cảm nhận được ý nghĩa cao quý của hai chữ “phục vụ”, và không hiểu sao nó đã thấm sâu vào từ tưởng tôi cho đến hôm nay. Cứ mỗi lần đi diễn tôi lại đặt việc “phục vụ” lên hàng đầu mà không hề tiếc công sức, không hề yêu cầu đòi hỏi một thứ gì”. Những suy nghĩ ấy đã hình thành trong tâm thức nghệ sỹ Vũ Kim Dung từ buổi đầu bước đi trên con đường nghệ thuật.

Đó là năm 1963, cô thiếu nữ 18 tuổi cùng đồng nghiệp được phân công về Thanh Hóa hỗ trợ bà con chống lụt. Hai tháng trời “ba cùng” - cùng ăn, cùng ở, cùng làm – ban ngày hỗ trợ các gia đình việc nhà cửa, đồng áng, buổi tối lại cùng các anh chị trong đoàn diễn kịch, ca hát phục vụ bà con. Hết thời hạn công tác, mọi người bịn rịn chia tay. Bà con Thanh Hóa cứ muốn giữ Kim Dung ở lại, vì cô gái ấy hát hay, lại đảm đang, đẹp người đẹp nết.

Từ chuyến đi này, Kim Dung cảm nhận sâu sắc niềm hạnh phúc của người nghệ sỹ là được mang tài năng trời phú cho mình để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Cô tin tưởng hơn vào lựa chọn của mình, dù để theo đuổi được lựa chọn ấy cần rất nhiều nỗ lực về sau.

Ngâm thơ vốn là một hình thức diễn xướng đặc biệt xong lại không có trường lớp đào tạo chính quy. Người ngâm phần lớn tự học. Ngoài chất giọng, khả năng cảm thụ thơ ca và ngôn ngữ tiếng Việt thì còn đòi hỏi người ngâm vốn hiểu biết về âm nhạc dân tộc cùng dấu ấn sáng tạo cá nhân. Hiểu biết càng phong phú, khả năng cảm thụ càng sâu sắc thì càng linh hoạt trong xử lý văn bản, xử lý giọng điệu ngâm. Bởi có một điều chắc chắn rằng, dù không được đưa lên thành một bộ môn nghệ thuật biểu diễn ngang hàng với chèo, tuồng, cải lương, hay quan họ, chầu văn… nhưng ngâm thơ lại vô cùng đa dạng và giàu có về các thể thức ngâm.

Người ngâm thơ tiếp nhận bài thơ như thế nào thì sẽ chuyển tải giai điệu, hồn cốt bài thơ ấy như vậy. Một bài thơ, một đoạn thơ hay câu thơ có nhiều cách thể hiện nhưng phải phù hợp với bối cảnh văn hóa của tác phẩm. Không ít bài thơ neo đậu trong tâm thức khán thính giả nhờ vào các giọng ngâm truyền cảm, chạm được vào nỗi lòng người viết, người nghe.   

Thứ ánh sáng dẫn dắt bà chính là niềm say mê nghệ thuật cùng năng lượng nồng nhiệt. Ở bà luôn thường trực ý thức tự học hỏi, tự tìm tòi rèn luyện, vận dụng những kiến thức từ sách vở và cuộc sống vào công việc. Giống như người thợ trong tác phẩm của nhà văn Pautovxki, bà đã chắt chiu từng hạt bụi vàng để đúc nên bông hồng vàng cho riêng mình.

Lúc sinh thời, những suy nghĩ về nghệ thuật, về cuộc sống của NSND Vũ Kim Dung luôn giản dị mà sâu sắc. Tình yêu với nghệ thuật dân tộc, tình yêu với thơ ca đã tỏa sáng trong bà, mở lối cho bà, giúp bà thành công trên con đường trở thành một nghệ sỹ ngâm thơ chuyên nghiệp.

*

Cuối năm 1972, khi chuyển công tác về Đài Tiếng nói Việt Nam, nghệ sỹ Vũ Kim Dung cùng với bậc đàn chị Trần Thị Tuyết là hai giọng ngâm thơ thuộc biên chế Ban Văn học Nghệ thuật – nơi hội tụ nhiều cây đa cây đề của giới văn nghệ nước nhà. Không chỉ phục vụ cho buổi Tiếng thơ, bà còn ngâm thơ phát sóng ở nhiều chương trình khác như chương trình về nông thôn, phụ nữ, thanh niên, chương trình Quân đội nhân dân, và đặc biệt là ngâm thơ cho buổi phát thanh binh địch vận do nhà thơ Tạ Hữu Yên phụ trách.

Với bất cứ công việc nào, bà cũng đều làm việc chu đáo, hết lòng. Cùng với các nghệ sỹ của Đài, bà đi biểu diễn ở nhiều nơi, về với nông thôn nông trường, tới miền biên giới hải đảo. Những chuyến đi này bồi đắp thêm cho bà  kinh nghiệm, vốn hiểu biết thơ ca, ngôn ngữ và văn hóa dân tộc.

Trong nhiều năm, giọng ngâm thơ Vũ Kim Dung quen thuộc với các thính giả ở trong và ngoài Tổ quốc, đến với các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ nơi tiền tuyến, ngoài đảo xa. Đặc biệt, ở những khoảnh khắc giao thừa xuân mới, giọng ngâm thơ ấy xoa dịu nỗi nhớ quê hương, nguôi lòng người xa xứ.

*

Trân trọng nghệ thuật truyền thống của dân tộc, nghệ sỹ Vũ Kim Dung cũng chuyên tâm truyền dạy nghệ thuật ngâm thơ cho bất cứ ai có nhu cầu theo học. Về địa phương. Tới cung văn hóa. Kèm cặp một thầy một trò ở nhà riêng. Khi sang cộng hòa Séc đoàn tụ cùng gia đình con gái, bà lại tiếp tục biểu diễn phục vụ cộng đồng Việt kiều, hướng dẫn thêm học trò, được tiếp lửa bởi tình cảm của người hâm mộ. Nhiều người tuổi đã cao, khi theo học ngâm thơ vẫn trìu mến gọi bà là “cô giáo”. Giáo trình chính là kinh nghiệm của nửa thế kỉ gắn bó cùng lời thơ nhịp đàn. Khi tâm sáng lòng trong, lời ngâm sẽ bắt được nhịp đồng điệu. Đặc biệt thanh âm tiếng Việt phải rõ ràng, hơi thở sâu đằm nín lặng. Lộ hơi, đứt quãng là điều tối kị.

Chỉ cần một người yêu cầu, NSND Vũ Kim Dung cũng sẵn lòng, không nề hà, không tính toán phân vân. Nơi biểu diễn có thể là sân khấu rực rỡ ánh đèn, nơi cơ quan trường học, cũng có thể là nhà riêng, thậm chí ngay trên đường đi công tác. Chính đó là điều khác biệt ở bà. Ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Tổng biên tập tạp chí Vietnamnet, hiện sống và làm việc tại Boston (Mỹ) cho biết: từ thuở còn là học sinh phổ thông, ông đã mến mộ nghệ sỹ Vũ Kim Dung; ở tuổi ngoài 60, trong hành trang buổi đầu đến nước Mỹ của ông cũng không thể thiếu giọng ngâm thơ ấy.

Từ Tiếng thơ, NSND Vũ Kim Dung đã bước đến những miền không gian khác nhau, thử sức ở nhiều vai trò khác nhau. Song trước hết và sau cùng bà luôn là người của Tiếng thơ, với khao khát được hát lên, ngâm lên những câu thơ đẹp đẽ mang hồn dân tộc.

"Đối với tôi, nghệ sỹ ngâm thơ chính là người sáng tạo ra bài thơ lần thứ hai. Thơ có nhiều thể loại: thơ Đường bảy chữ, thơ lục bát, thơ song thất lục bát, thơ năm chữ, thơ tự do… Làn điệu ngâm cũng rất nhiều như: đọc thơ, kể chuyện thơ, ngâm thơ Đường, bồng mạc, sa mạc, bình diệu, dâng hương, lẩy Kiều, ru con; rồi các điệu ngâm của cải lương như: ngâm xuân, ngâm quảng; hay của chèo như ngâm sổng, ngâm vỉa, sử dầu… Khi ngâm phải phát âm thật chuẩn, phải dùng làn điệu thích hợp với từng ý thơ, phải biết ngắt câu đúng chỗ, rõ lời và quan trọng nhất là truyền cảm được “hồn” của bài thơ đến người nghe” (NSND Vũ Kim Dung – Hồi ký “Con đường đến với nghệ thuật ngâm thơ và ca trù – NXB Hà Nội 2015)

Nghệ sỹ Vũ Kim Dung sinh năm 1945 tại Nam Định. Năm 1961, bà được tuyển vào đoàn Cải lương Trung ương. Cuối năm 1972, bà về công tác tại Ban Văn học Nghệ thuật Đài TNVN. Ngoài công việc của một nghệ sỹ ngâm thơ chuyên nghiệp, bà còn tâm huyết với ca trù, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực biểu diễn, giữ gìn và truyền lửa đam mê nghệ thuật truyền thống cho thế hệ sau.  
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác